Ý kiến phạt tiền thay xử tù với tội phạm kinh tế, quan chức tham nhũng của ông Viện trưởng VKSND gây dư luận mạnh ở Việt Nam.
Trong buổi tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị ông Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam có mặt tại đó cách làm: Để cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự.
Ý kiến của ông Trí gây ra luồng dư luận hai chiều; trong đó, nhiều ý kiến trên các diễn đàn không đồng ý với ông Viện trưởng VKS. Nhiều người, từ lập luận của ông Trí, còn phân tích thêm các yếu tố để kết luận rằng: Không những không làm nhẹ, mà cần hình sự hóa mạnh hơn nữa với tội tham nhũng – vốn đang rất nhức nhối ở Việt Nam. Ví như một số bình luận trên Tuổi Trẻ.
“Đề xuất này là một trong những cách thao túng luật pháp phục vụ lợi ích bọn tham nhũng”.
“Theo quan điểm cá nhân tôi thì chẳng những phải truy thu hết tài sản tham nhũng mà còn phải tính lãi suất trên toàn bộ tài sản. Đối với tài sản bị phát tán cho người khác do mua bán hay cho tặng phải thu hồi tất cả và giải quyết hình sự về tội lừa đảo vì mua bán tài sản không phải của cá nhân”.
“Trộm con gà, con chó đã bị pháp luật xử lý hành chính rồi, đã mang nhục với xã hội rồi, huống hồ tội tham nhũng. Xưa tội này còn bãi chức tru di, nay có văn minh tiến bộ mấy cũng phải xử tù hình sự và tịch thu gia sản để trả lại cho nhà nước theo số tiền thực tế. Thí dụ tham nhũng 10 tỷ thu hồi đủ thì tù 3 năm, thu không đủ tù 10 năm”.
“Xử kịch khung sẽ răn đe tốt hơn”.
Tuy nhiên, trong giới chức cũng có những tiếng nói thể hiện sự đồng thuận với quan điểm của ông Trí. Bài trên VnExpress ngày 2/7 phỏng vấn ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ. Ông Minh nói rằng: ‘Phạt tiền thay xử tù với tội phạm kinh tế là xu hướng’; ‘Đây là tội phạm về kinh tế nên hình phạt hướng đến trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp’; ‘Phạt tiền cũng là hình phạt, chứ không phải sự ưu ái’; ‘Đó là cái giá phải trả cho tội lỗi của mình’…
Người xưa xử trí thế nào?
Quan chức tham nhũng dường như thời nào cũng có, chỉ là rất ít, ít hay nhiều, rất nhiều. Trong lịch sử, đã để lại bài học về cách xử trí của vua quan trước vấn nạn hại dân, hại nước này.
Vua Lê Thánh Tông là bậc minh quân, ông xử rất nghiêm với tệ tham ô, tham nhũng. Vua coi trọng luật pháp, nên đặt ra Bộ luật Hồng Đức là bộ luật chống tham nhũng mạnh mẽ bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Điều 138 của bộ luật này có ghi: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan, từ 20 quan trở lên bị phạt làm phu. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho”.
Ngoài ra, Quốc triều Hình luật của thời hậu Lê còn quy định về xử lý tài sản tham nhũng theo nguyên tắc người tham nhũng phải bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng và sung công nếu là của công. Trải đức khắp thiên hạ nhưng xử tội tham ô thì chiểu theo luật mà hành, thời Lê Thánh Tông thái bình, thịnh trị đến nỗi “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”.
Có một câu chuyện về cách hành xử của Lê Thánh Tông với đề xuất “phạt tiền thay đi tù”. Sử ghi rằng, có kẻ tham nhũng bị buộc tội chết nhưng được một số người đứng ra xin với vua được nộp tiền chuộc để miễn chết. Lê Thánh Tông phán rằng: “Xin cho người mắc tội được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi, thế là làm trái cả phép tắc của tổ tông”. Sau đó, vua lệnh cho xét xử, trị tội theo quy định.
Lê Thánh Tông cũng rất cảnh giác với nguy cơ từ “lợi ích nhóm” trong đám vương tôn, quan chức. Ông cấm phu nhân quan đại thần không được đi lại, chơi bời với nhau vì e rằng bọn họ cấu kết rồi đi cửa sau; con cái của các quan lớn cũng luôn được để mắt nhằm tránh việc lợi dụng chức quyền của bố tạo thế lực, “sân sau” cho riêng mình.