Site icon MUC News

‘Phí qua trạm Bắc Hải Vân nhiều hơn tiền xăng từ Huế vào Đà Nẵng’

Tăng phí với xe đi qua hầm Hải Vân từ ngày 1/5

Ngoài cách lưu thông qua hầm Hải Vân (ảnh bên trái, chụp màn hình báo Thanh Niên), người dân có thể đi đường đèo (ảnh phải, chụp màn hình VOH).

Người dân, doanh nghiệp vận tải cho báo Tuổi Trẻ biết, mức phí mới ở trạm Bắc Hải Vân cao hơn nhiều so với chi phí nhiên liệu đi từ Huế vào Đà Nẵng.

Bộ Giao thông Vận tải vừa đồng ý phương án tăng mức phí tại trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân. Theo đó, từ ngày 1/5, mỗi ôtô qua trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ trả phí tăng từ 30.000 đến 70.000 đồng để hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2.

Cụ thể, các xe nhóm một (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có vé lượt 110.000 đồng. Xe nhóm 2 (xe 12 chỗ đến 20 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn) mức phí 160.000 đồng.

Xe nhóm 3 (xe 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn) mức phí 200.000 đồng. Xe nhóm 4 (từ 10 đến 18 tấn, xe container 20ft) là 210.000 đồng. Xe nhóm 5 (từ 18 tấn trở lên, xe container 40ft) là 280.000 đồng.

Theo mức tăng này, xe con, xe container, xe tải nặng phải trả thêm từ 30.000-40.000 đồng/vé/lượt. Riêng xe nhóm 2 tăng 70.000 đồng/vé/lượt so với giá cũ.

Ông Nguyễn Văn Long, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thừa Thiên Huế nói với Tuổi Trẻ, ông chưa được nghe thông báo về việc này. Tuy nhiên, nếu trạm Bắc Hải Vân tăng phí thu như vậy thì quá nhiều vì bình thường giá vé qua trạm này đã cao rồi.

Anh Quang Tâm – một người Huế thường xuyên đi vào Đà Nẵng, cho biết anh thường chỉ tốn 100.000 đồng đổ xăng. Tuy nhiên cả chặng đường khoảng 100km anh Tâm phải đi qua hai trạm thu phí đường bộ là trạm thu phí Phú Bài với giá vé là 35.000 đồng (thị xã Hương Thủy) và trạm thu phí Bắc Hải Vân (huyện Phú Lộc) với giá vé cũ là 70.000 đồng.

“Nay trạm Bắc Hải Vân tăng giá lên 110.000 đồng tức tổng tiền phí chuyến đi là 145.000 đồng. Cao hơn cả tiền đổ xăng cho xe chạy. Quá tốn kém và bất hợp lý” – anh Tâm nói.

Về phía nhà thu phí, ông Nguyễn Quang Huy, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng Đèo Cả, cho biết đơn vị đang gặp “áp lực tín dụng” và việc điều chỉnh này hoàn toàn nằm trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và Bộ GTVT. Theo ông Huy, công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước; do vậy, để đảm bảo kinh phí vận hành và hoàn vốn, đơn vị phải điều chỉnh giá.

Vị giám đốc này cũng cho hay, ngoài phương án trải nghiệm hầm Hải Vân phải mất tiền phí, các tài xế còn có lựa chọn khác. Ví như đi đường đèo không mất tiền, hoặc di chuyển trên cao tốc La Sơn – Túy Loan sắp vận hành.