Trong nhiều năm, việc gián điệp Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ và thương mại của các công ty nước ngoài đã không còn là một bí mật. Tuy nhiên một bộ phim tài liệu do kênh CNBC của Mỹ phát hành đã tiết lộ, mục đích chính của hành động gián điệp không phải là thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp Mỹ – Trung, mà là để tiêu diệt và thay thế các công ty Mỹ.

Bộ phim “Cuộc chiến gián điệp doanh nghiệp Trung Quốc” được CNBC cho ra mắt vào 21/6, đã tiết lộ mục đích sâu xa hơn trong các hoạt động gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong nhiều năm, nhiều công ty Mỹ tin rằng hành vi trộm cắp của chính quyền Trung Quốc chỉ là nỗ lực nhằm bắt kịp công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ. Nhưng theo các quan chức Hoa Kỳ, thực tế còn khốc liệt hơn những gì người bình thường lý giải. Trong nhiều trường hợp, điều ĐCSTQ thực sự muốn là loại bỏ các công ty Mỹ, còn hành vi trộm cắp công nghệ chỉ là thủ đoạn.

Giám đốc FBI Christopher Wray nói với CNBC: “Định nghĩa về cạnh tranh của ĐCSTQ bao gồm cả khái niệm tiêu diệt”.

Còn Thượng nghị sĩ Marco Rubio cảnh báo rằng, các công ty Mỹ làm ăn với ĐCSTQ đồng nghĩa với đặt bí mật thương mại của họ vào tình trạng rủi ro. Họ đang hướng đến “sự tự sát từ từ”.

Bộ phim tài liệu còn trình bày vụ án về Từ Diên Quân (Xu Yanjun), cựu phó giám đốc Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc. Ông ta bị cáo buộc dẫn đầu âm mưu 5 năm nhằm đánh cắp bí mật thương mại của General Electric Aviation, một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới của Mỹ. Từ đã bị kết án 20 năm tù vào năm ngoái.

Từ Diên Quân (ảnh chụp màn hình SCMP).

Vào tháng 1 năm nay, Trịnh Tiểu Thanh (Xiaoqing Zheng), cựu kỹ sư kỹ thuật người Trung Quốc của General Electric, cũng bị kết án 2 năm tù vì đánh cắp tài liệu mật trị giá hàng triệu USD của công ty.

Và các gián điệp của ĐCSTQ không chỉ nhắm vào lĩnh vực hàng không, mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warne thừa nhận trong cuộc phỏng vấn ông đã sai lầm trong chính sách Trung Quốc của mình. Giống như nhiều người, ông nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ trở nên tốt hơn nếu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hóa ra điều này lại không đúng.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết giống như nhiều quốc gia dân chủ, Hoa Kỳ đã coi ĐCSTQ là đối tác hơn là đối thủ trong gần 40 năm. Quan hệ ngoại giao của Washington với Bắc Kinh gần như vô điều kiện và chỉ xem xét các lợi ích thương mại. Nhưng sau đó Washington phát hiện rằng sau nhiều thập niên trao đổi, ĐCSTQ đã tích lũy được khối tài sản kếch xù, quay đầu lại đàn áp người dân của chính mình, lại bành trướng và thâm nhập ra bên ngoài. Chính sách xoa dịu của Mỹ với Bắc Kinh đã không thay đổi cho đến khoảng năm 2017.

Ảnh minh họa: Chụp màn hình Rstreet.

Ông Phùng nói: “Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định mới về ĐCSTQ… Họ thừa nhận rằng Trung Quốc và thế giới tự do ở trong tình trạng chiến tranh lạnh, mà đã là chiến tranh lạnh thì cần phải ứng chiến. [Nếu] anh đầu hàng và nhân nhượng, vậy anh sẽ ngày càng trở nên bất lợi. Vì vậy, Trung Quốc sử dụng thủ đoạn bất chính này để đánh cắp công nghệ, và sẽ đánh bại những công ty cạnh tranh theo quy tắc thông thường. Nó giống như Huawei… nó sẽ tiêu diệt những công ty khác cản đường nó”.

Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố với CNBC rằng, Bắc Kinh chưa bao giờ tham gia hoặc hỗ trợ đánh cắp bí mật thương mại dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhưng lập luận này không thuyết phục.

Vương Tú Văn, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan tin rằng chính phủ Hoa Kỳ đã nhìn thấy bản chất của ĐCSTQ, nhưng hai bên vẫn chưa thể tách rời hoàn toàn về nhiều mặt. Tuy nhiên cuối cùng mối quan hệ của họ sẽ giống như Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây, là một loại quan hệ một mất-một còn.