Các nhà phân tích và giới truyền thông phương Tây gần đây đã bóc mẽ một video giả mạo mà Nga thực hiện nhằm lấy cớ xâm lược Ukraine.

CNN (Mỹ) đưa tin, các quan chức Mỹ hôm 3/2 cáo buộc Nga dàn dựng một video giả mạo quân đội Ukraine tấn công Nga, từ đó dùng sự việc này để lấy cớ xâm lược Ukraine.

Đến ngày 21/2, hãng tin The Guardian (Anh Quốc) đã tiết lộ chi tiết hơn về video này. Các dấu hiệu cho thấy video là dàn dựng, theo phân tích từ Bellingcat, một trang web báo chí điều tra có trụ sở tại Hà Lan chuyên về xác minh thực tế và thông tin tình báo nguồn mở.

Người sáng lập Bellingcat, ông Elliot Higgins, nói rằng các bộ phim tuyên truyền của Nga đã trở nên cẩu thả hơn và video trên là một ví dụ. Tuy nhiên, khán giả Nga, đặc biệt là thế hệ cũ, có xu hướng tin vào các cảnh phim giả mạo mà Nga đưa ra trên TV.

Video mà các hãng truyền thông Nga đăng tải cho thấy một cảnh tượng u ám, một cuộc tấn công diễn ra ban đêm trong một khu rừng. Có đèn flash và tiếng nổ bí ẩn. Một nhân vật không rõ danh tính đã kêu lên trong đau đớn. Người đàn ông bị thương đang đội mũ bảo hiểm. Có rất ít manh mối về địa điểm quay và chính xác chuyện gì đang xảy ra.

Giới truyền thông nhà nước Nga đăng phóng sự truyền hình nói rằng đó là cảnh tượng quân đội Ukraine tấn công Nga. Bài phóng sự cáo buộc Ukraine cử một đội lính xâm nhập vào lãnh thổ ly khai thân Nga. Người đàn ông được nhìn thấy với hình bóng kỳ lạ trong video là một kẻ xâm nhập người Ukraine. Kênh truyền thông Nga đưa tin rằng người này có nhiệm vụ làm nổ một nhà máy clo ở thị trấn Horlivka do phiến quân nắm giữ. Hãng tin Nga nói rằng, sau cuộc đọ súng, hai kẻ xâm nhập Ukraine đã bị giết.

Bằng chứng cho thấy Nga làm giả video về Ukraine

Sau khi giới truyền thông Nga đăng video về cái gọi là “cuộc tấn công của Ukraine”, thì giới phân tích đã chỉ ra các dấu hiệu cho thấy Nga làm giả video này.

Theo các nhà nghiên cứu của Bellingcat, phần tiếng động của các vụ bắn súng và cháy nổ trong video của nga đã có tuổi đời hơn một thập niên. Nó đã được ghi lại vào tháng 4 năm 2010, trong một cuộc tập trận quân sự của Phần Lan.

Cơ quan tình báo Ukraine tin rằng đoạn video trên là tác phẩm của GRU, cơ quan gián điệp quân sự của Nga. Cơ quan này đã hoạt động tích cực ở Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và bắn rơi máy bay chở khách MH17 vào năm 2014. Những người tạo ra bộ phim của Nga dường như đã gỡ bỏ video gốc của Phần Lan ra khỏi internet.

Họ đã ghép nhạc nền của nó vào nội dung video mới, được thực hiện cách đây hai tuần. Họ có chỉnh sửa một vài tiếng kêu “oooh” đầy hào hứng của các tân binh Phần Lan.

Giới phân tích: Nga có lịch sử làm giả video

Ông Higgins, người sáng lập trang web điều tra Bellingcat nói với Guardian: “Nga có một kỷ lục lâu dài về việc làm này. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên”.

Ông Higgins nói thêm: “Điều đáng ngạc nhiên là họ không làm được gì tốt hơn. Theo một số khía cạnh, họ còn làm cẩu thả hơn. Thực sự rất ngớ ngẩn và lười biếng”.

Ông Higgins cho biết khán giả quốc tế hầu như không tin thông tin sai lệch từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, ông cho biết khán giả Nga trong nước có xu hướng tin vào các cảnh phim giả mạo của giới truyền thông nhà nước, đặc biệt là thế hệ cũ.

Trong tuần qua, Nga đã đưa ra nhiều tin tức sai sự thật về cuộc khủng hoảng Ukraine, theo The Guardian. Chúng bao gồm các tuyên bố cho rằng Ukraine đang có kế hoạch tấn công các khu vực ly khai; và rằng Ukraine đã tuồn xe bọc thép và những kẻ xâm nhập vào khu vực ly khai. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi Nga là “một nhà máy sản xuất hàng giả”.

Một video giả khác từ truyền thông Nga

Trước khi xâm lược Ukraine, truyền hình Nga đã bắt đầu tích cực quảng bá thông tin cho thấy một cuộc khủng hoảng nhân đạo rộng lớn đang diễn ra ở miền đông Ukraine. Giới truyền thông Nga loan tin rằng cư dân Ukraine đã bị pháo kích dữ dội – điều mà Kiev nói là không đúng sự thật.

Thông tin bao gồm các báo cáo về việc gia tăng các cuộc bắn phá cho đến các “hành động khiêu khích” kỳ quặc hơn, chẳng hạn như một vụ đánh bom ô tô vào bên ngoài tòa nhà của chính quyền ly khai ở Donetsk vào ngày 18/2. Cùng ngày, Denis Pushilin, nhà lãnh đạo ủng hộ Moscow của lãnh thổ Donetsk, đã công bố một đoạn video cho biết tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức thường dân phải được đưa ra ngoài an toàn và và sang Nga.

Tuy nhiên, Bellingcat phát hiện ra từ siêu dữ liệu của video trên thực sự đã được quay hai ngày trước đó. Vào thời điểm đó, tình hình giữa Ukraine và phe ly khai vẫn đang yên ổn.

Mục đích của Nga trong các video tuyên truyền

Mục tiêu truyền thông của Điện Kremlin là tạo cớ cho cuộc xâm lược Ukraine, theo nhà phân tích người Anh Elliot Higgins.

Truyền thông Phần Lan từng chỉ ra rằng Liên Xô vào tháng 11 năm 1939 đã sử dụng một cái cớ tương tự để bắt đầu cuộc chiến chống lại Phần Lan. Một ngày trước khi Liên Xô xâm lược, Moscow tuyên bố rằng quân đội Phần Lan đã tiến hành “một cuộc tấn công” vào Nga.

Ngày nay, công nghệ đã phát triển hơn, nhưng cách làm giả của giới truyền thông Nga đã bị Bellingcat bóng mẽ. Cách thức làm giả của họ khá cẩu thả và lạc hậu. “Đó là sự kém cỏi”, ông Higgins nói.

Từ Khóa: