Kế hoạch bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và trên thế giới đã được tiết lộ gần đây thông qua phát hiện của The Epoch Times (ET).

Tờ báo tìm được một bài phát biểu của Giáo sư Jin Canrong, phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc; trong đó ông ta khoe khoang về kế hoạch bành trướng của Trung Quốc.

Cụ thể: Chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu chiếm trọn Biển Đông; từ đó kiểm soát các phần còn lại của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; làm bàn đạp chống lại Mỹ và giành quyền bá chủ thế giới.

Tuyên bố của giáo sư Jin rất đáng chú ý vì ông này là một cố vấn nổi tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Rò rỉ kế hoạch bá quyền của Trung Quốc: Phần 1 – Chiếm toàn bộ Biển Đông

Dưới đây là Phần 2: Thủ đoạn chuỗi ngọc trai & âm mưu chiếm Đài Loan

Chiến thuật ‘chuỗi ngọc trai’ của Trung Quốc phục vụ âm mưu bành trướng Ấn Độ Dương

Đánh chiếm Biển Đông là tiền đề rất quan trọng đối với kế hoạch bá quyền của ĐCSTQ; nhằm thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo giáo sư Jin.

“Nếu Hoa Kỳ mất quyền kiểm soát Ấn Độ Dương, nước này sẽ mất ảnh hưởng ở Trung Đông. Khi đó Hoa Kỳ sẽ mất ngôi vị số một trên thế giới”, ông Jin nói.

Trong bài phát biểu bị rò rỉ, ông Jin nói với khán giả Trung Quốc: “Chúng ta đang thực hiện chiến lược chuỗi ngọc trai ở phía bắc Ấn Độ Dương, với các cơ sở trải dài từ Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Nếu chúng ta hoàn thành chiến lược chuỗi này và sở hữu Biển Đông; chúng ta có thể quét sạch căn cứ hải quân của Mỹ tại Diego Garcia trong vài phút”.

“Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc là khái niệm lần đầu tiên được đưa ra trong một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2005. Cụm từ này được sử dụng để mô tả việc Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương bằng cách tận dụng mạng lưới các địa điểm thương mại và quân sự của Trung Quốc ở các nước Nam Á.

Các quan chức ĐCSTQ phủ nhận Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược như vậy ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát một số cảng biển ở Ấn Độ Dương dưới hình thức cho thuê.

Các cảng biển trong chuỗi ngọc trai của Trung Quốc

The Epoch Times liệt kê các cảng biển trong chuỗi ngọc trai tại các nước Nam Á mà Trung Quốc đang thuê; bao gồm:

  • Cảng Gwadar của Pakistan theo hợp đồng thuê 40 năm từ năm 2015;
  • Cảng Kyaukpyu của Miến Điện với hợp đồng thuê 50 năm từ năm 2015; Cảng Djibouti’s Obock với hợp đồng thuê 10 năm bắt đầu từ năm 2016;
  • Cảng Feydhoo Finolhu của Maldives với hợp đồng thuê 50 năm từ năm 2017;
  • Cảng Hambantota của Sri Lanka theo hợp đồng thuê 99 năm kể từ năm 2017.

(Nguồn: Báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển.)

Quân đội Hoa Kỳ hiện có một cơ sở hỗ trợ hải quân tại Diego Garcia; một hòn đảo thuộc Quần đảo Chagos, nằm trong “Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh” (BIOT). Căn cứ hải quân này đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan; cũng như cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Hiện Mauritius, một thuộc địa cũ của Anh, và chính phủ Vương quốc Anh đang tranh cãi về chủ quyền đối với BIOT. Vào tháng 6 năm ngoái, chính trị gia người Anh Daniel Kawczynski đã viết một bài cho tờ Daily Express; trong đó ông cảnh báo rằng nếu Anh để mất BIOT; đó sẽ là “một cuộc đảo chính nghiêm trọng” mà Bắc Kinh giành phần thắng.

Ông Kawczynski viết: “Nếu BIOT được nhượng lại cho Mauritius, tôi không nghi ngờ gì về việc không lâu nữa các cơ sở hải quân tại Diego Garcia sẽ rơi vào ‘chuỗi ngọc trai ’của Tập Cận Bình và trở thành mỏ neo cho một trật tự thế giới rất khác”.

Thống trị Biển Đông và Ấn Độ Dương: Trung Quốc sẽ buộc Đài Loan phải đầu hàng mà không cần nổ súng

Theo ông Jin, việc chiếm trọn Biển Đông sẽ chỉ là bước đầu tiên. Ông Jin cho biết mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc sẽ là Đài Loan.

Vào thời điểm đó, ông Jin nói rằng chỉ cần sự hiện diện quân sự áp đảo của Trung Quốc trong khu vực, là có thể buộc Đài Loan đầu hàng mà không cần đổ máu.

Ông Jin giải thích: “Nếu Đài Loan đầu hàng, Hoa Kỳ không có lý do gì để can thiệp.”

ĐCSTQ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai cần phải thống nhất với đại lục; mặc dù ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị hòn đảo này. Tên chính thức của Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc. Họ có một hệ thống chính trị; xã hội; quân đội; hiến pháp và đơn vị tiền tệ hoàn toàn độc lập với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Hoa Kỳ coi Đài Loan là đồng minh quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; và là nhà cung cấp quân sự chính của hòn đảo. Tháng trước, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cảnh báo trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ rằng chính quyền Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan trong “6 năm tới”.

Nếu Trung Quốc giành bá quyền toàn cầu, thế giới sẽ ra sao?

Với việc Trung Quốc chiếm được Biển Đông và Đài Loan, ông Jin nói rằng Washington sẽ coi Bắc Kinh là một “đối tác bình đẳng”.

“Là những đối tác bình đẳng, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có thể hợp tác trong nhiều vấn đề… điều này sẽ tốt cho toàn thế giới”, ông Jin nói thêm.

Những tiết lộ của ông Jin đã cho thấy quy mô toàn cầu trong kế hoạch bá quyền của ĐCSTQ. Nếu Bắc Kinh đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra, thì viễn cảnh thế giới dưới quyền kiểm soát của ĐCSTQ sẽ ra sao? Giới quan sát nhận định rằng viễn cảnh đó sẽ thật bi ai, nhìn từ tình hình của Tây Tạng (một thời là quốc gia độc lập, bị ĐCSTQ xâm lược năm 1950); và Tân Cương (nơi ĐCSTQ giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018)…

Hiện Trung Quốc đang tiến gần hơn tới mục tiêu chiếm trọn Biển Đông. Dù không đạt được điều này theo đường ngoại giao hay luật pháp quốc tế; ĐCSTQ đang chiếm dần mục tiêu này trên thực tế.

Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo, tiền đồn và trang bị khí tài trên các hòn đảo phi pháp. Hiện hàng trăm tàu dân quân Trung Quốc ngụy trang làm tàu cá đang tràn vào Biển Đông; dần dần đẩy ngư dân Việt Nam ra khỏi các ngư trường quen thuộc của mình.

“Với sự hiện diện áp đảo của các tàu thuyền, mục tiêu (của Trung Quốc) là chiếm trọn những điều mà họ không thể đạt được thông qua ngoại giao hoặc luật pháp quốc tế. Ở một mức độ nào đó, thủ đoạn này dường như đang có hiệu quả”, Thời báo New York viết.