Giáo sư Rory Medcalf, hiệu trưởng trường an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia nói với The Guardian rằng cuốn sách giáo khoa tiếng Trung đã “gây hiểu nhầm nghiêm trọng” khi thể hiện đường lưỡi bò như thể đó là bản đồ hợp pháp của Trung Quốc và khu vực.

Đường lưỡi bò thậm chí còn được vẽ chi tiết tới 23 đoạn, thay vì 9 đoạn như thường thấy, trong đó có những đoạn lấn sát vào đất liền của Việt Nam.

Ông Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Mỹ bình luận: “Tôi từng thấy rất nhiều dị bản yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng quả thật giờ mới thấy tấm bản đồ 23 đoạn như thế này”.

sach giao khoa co duong luoi bo cua trung quoc bi thu hoi tai australia
Ảnh chụp màn hình báo 9News về cuốn sách bị thu hồi tại Úc vì in bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Hai tác giả của cuốn sách là Jixing Xu và Wei Ha nói rằng họ không hề cho bản đồ vào trong sách mà chính nhà xuất bản đã làm điều đó. Hai người cam kết rằng cuốn sách không có ý định “tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc” (ĐCSTQ), và họ “không có ý định đưa ra lập trường chính trị nào”.

Nhà xuất bản Cengage đã xin lỗi về “sự bất cẩn” trong việc xuất bản cuốn sách, và cho biết họ sẽ thu hồi 750 bản đã bán ở Úc và Singapore.

Trang tin 9News của Úc cho biết cuốn sách này còn có 2 trang đề cập đến “Giấc mơ Trung Hoa”, một điều mà Giáo sư Medcalf mô tả rằng như thể đây là cuốn sách tuyên truyền của ĐCSTQ.

Cụm từ “Giấc mơ Trung Hoa” là khái niệm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra và quảng bá từ năm 2012. Sau đó cụm từ này được đưa vào sách giáo khoa Trung Quốc theo chỉ đạo của Trưởng ban tuyên giáo của ĐCSTQ, Liu Yunshan, để đảm bảo nó “ngấm vào não của học sinh”.

Ủng hộ động thái của đồng minh Hoa Kỳ, Australia hồi tháng 7 đã trình công hàm lên Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.