Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy “dấu hiệu suy tàn” khi thực hiện “cuộc chiến tranh với đức tin”, theo ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế.

Ông Brownback đưa ra bình luận này trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times tại Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế ở Washington vào ngày 14/7.

Dấu hiệu suy tàn của ĐCSTQ

Đề cập đến sự hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cựu đại sứ Brownback nói: “Đó là dấu hiệu của một chế độ đang ở những bước cuối cùng của nó”.

Cựu đại sứ giải thích: “Nó trở nên khắc nghiệt hơn, không cởi mở hơn. Nó trở nên tàn bạo hơn, không tự do hơn. Nó dựa trên chiến thuật bắt nạt thay vì hợp tác cởi mở.”

Ngược lại, ông Brownback cho rằng một “chế độ tự tin” sẽ công khai thừa nhận những sai sót của mình hơn là truy bắt những người chỉ trích.

Ông nói, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng mức độ hà khắc và tàn bạo, cùng với việc áp dụng công nghệ cao để giám sát người dân, “tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy một chế độ đang trong thời kỳ suy tàn”.

“Đó không phải là cách thức mà một chính phủ tự tin tiến lên phía trước”, ông Brownback nói.

Cựu đại sứ cho biết các quốc gia trên thế giới từng sợ Bắc Kinh giờ đang lên tiếng nhiều hơn về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Ông cũng nói rằng các nước này đang có xu hướng làm theo lập trường cứng rắn của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc.

Đại sứ Tự do Tôn giáo Sam Brownback và Ngoại trưởng Pompeo (ở giữa) trong sự kiện cấp bộ trưởng về tự do tín ngưỡng năm 2019 (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).
Đại sứ Tự do Tôn giáo Sam Brownback và Ngoại trưởng Pompeo (ở giữa) trong sự kiện cấp bộ trưởng về tự do tín ngưỡng năm 2019 (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã cùng nhau lên án ĐCSTQ về các cuộc đàn áp ở Tân Cương và Hồng Kông. Nhiều nước có động thái sẽ tẩy chay đối với Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh để phản đối những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Ngay cả ở Trung Quốc, mong muốn kiểm soát của ĐCSTQ có thể sẽ phản tác dụng, theo ông Johnnie Moore, cựu ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.

“Họ cần phải thay đổi hướng đi của mình”, ông Moore nói với The Epoch Times. Ông cho rằng một dấu hiệu khác cho thấy sự suy yếu của ĐCSTQ là việc họ nhắm các lệnh trừng phạt vào những người nước ngoài lên tiếng về nhân quyền ở Trung Quốc, trong đó có ông.

“Tôi có thể làm gì tổn hại Đảng Cộng sản Trung Quốc chứ? Tôi chỉ là một chủ doanh nghiệp nhỏ”, ông Moore nói.

Cựu đại sứ Brownback gửi thông điệp: ‘Tinh thần mạnh hơn thể xác’

Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế được tổ chức chỉ vài ngày trước sự kiện tưởng niệm 22 năm các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị đàn áp. Cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp môn khí công này từ ngày 20/7/1999 do ghen tị với mức độ phổ biến của môn tập trong quảng đại quần chúng.

Cựu đại sứ Brownback gửi lời nhắn “Đừng bỏ cuộc” tới các học viên Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp.

Ông cho biết, ĐCSTQ đã triển khai “một số thủ đoạn ghê tởm nhất của họ” đối với Pháp Luân Công, “những thủ đoạn kinh khủng tựa như thời trung cổ”.

Ông Brownback nói các học viên Pháp Luân Công là một nhóm ủng hộ “hòa bình và thiện chí”.

Cựu đại sứ Brownback nói rằng cuộc đàn áp rất “bi thảm”; nhưng ông cũng tin rằng hy vọng đã đến gần.

Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể gây chiến với đức tin, nhưng đó là cuộc chiến mà họ sẽ không thắng”.

Ông giải thích: “Lịch sử của nhân loại đầy rẫy những chế độ và chính phủ bắt bớ những người có đức tin. … Trong ngắn hạn, chính phủ có thể gây ra rất nhiều đau đớn. Họ có thể bắt bớ rất nhiều, nhưng về lâu dài, họ không bao giờ thắng được”.

Ông Brownback khẳng định: “Tinh thần mạnh mẽ hơn thể xác”.

Dân biểu Chris Smith cũng tham gia Hội nghị. Ông nói với The Epoch Times: Lãnh đạo Trung Quốc “Tập Cận Bình phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người, trong đó có cuộc đàn áp nhắm vào Pháp Luân Công”.

Các diễn giả tham gia Hội nghị thượng đỉnh còn có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và đương kim lãnh đạo Bộ Ngoại giao Anthony Blinken, cùng một số thành viên Quốc hội, các nhà hoạt động nhân quyền và những người sống sót sau các cuộc đàn áp tín ngưỡng.