Đại dịch Covid-19 khiến nhiều sân khấu phải đóng cửa. Không còn đất diễn, các nghệ sĩ mất đi nguồn thu nhập. Những nghệ sĩ trẻ tìm cách xoay sở, có người về quê; có người cố trụ ở thành phố đi làm ở siêu thị, bán cà phê. Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng như Kim Tử Long, Thoại Mỹ cũng phải chuyển sang bán hàng online.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây nên thảm cảnh chết chóc thương tâm mà còn khiến bao người lận đận mưu sinh. Nhiều ngành nghề khác nhau chịu thiệt hại, trong đó phải kể đến các nghệ sĩ.

Do tạm ngừng các hoạt động tập trung đông người, nhiều rạp chiếu phim, nhà hát, sân khấu kịch phải đóng cửa. Không thể mưu sinh bằng nghề diễn, cuộc sống của các nghệ sĩ gặp không ít khó khăn.

Bối cảnh khó khăn vì sân khấu đóng cửa

Diễn viên Gia Bảo cho biết anh trắng tay khi một loạt sô diễn mùa Tết bị hủy. Mặc dù có gia đình hỗ trợ về kinh tế, nhưng anh nói “Mình sống bằng nghề mà, nên không diễn là mệt”.

Nghệ sĩ Gia Bảo trải lòng khó khăn mùa dịch
Nghệ sĩ Gia Bảo trải lòng khó khăn mùa dịch (ảnh chụp màn hình Thanh Niên).

Trải lòng về thực trạng nghề diễn, NSƯT Kim Chi nói với Thanh Niên: “Tôi thấy thương lắm. Thật ra, những diễn viên trẻ bây giờ phải bươn chải, làm những công việc khác để kiếm sống. Họ đi làm trong siêu thị, có những bạn đi làm ở quán cà phê, có người thì bán hàng online. Hầu như tôi thấy bán hàng online là nhiều. Có những bạn phải về quê lánh dịch, phụ giúp gia đình. Nói chung, gia đình không yên tâm, muốn con về quê để an toàn”.

“Ở sân khấu của tôi, bình thường thì các bạn phụ những vai nhỏ, hoặc phụ thêm công việc hậu đài để có thêm lương. Một số bạn trở lại TP.HCM sau tết để vừa học vừa làm. Nói chung, thời buổi này ai cũng khó khăn và tự tìm cách xoay sở cho chính mình”, cô nói thêm.

Cuộc sống vẫn phải tiếp tục; các nghệ sĩ xoay sở với nghề “tay trái”

Nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long và vợ anh là nghệ sĩ Trinh Trinh đã bắt đầu công việc bán hàng online từ cách đây 1 năm. Anh thường xuyên livestream vừa bán hàng vừa trò chuyện với khán giả. Qua đó, khán giả lại có cơ hội được nghe anh hát những ca khúc bất hủ từ tân nhạc đến cải lương.

Nghệ sĩ Kim Tử Long và vợ của anh là nghệ sĩ Trinh Trinh
Nghệ sĩ Kim Tử Long và vợ của anh là nghệ sĩ Trinh Trinh (ảnh chụp màn hình Dân trí).

Gia đình anh có quán cà phê, nhưng vì giãn cách xã hội vài lần mà việc kinh doanh cũng gặp trắc trở. Qua những lần livestream, Kim Tử Long giới thiệu đến khán giả không gian đẹp mắt và menu nhiều món ngon của quán.

Nói về việc bán hàng của mình, nghệ sĩ Kim Tử Long bày tỏ quan điểm: “Với tôi cuộc sống này ngành nghề nào cũng cao quý. Mình bán đồ ăn không gây tác hại gì, quan trọng nữa có công việc cho mấy đứa con mấy đứa cháu làm. Đứa ghi order, đứa giao hàng trong mùa dịch này thì mọi người cũng có đồng ra đồng vô”.

Ý kiến của khán giả

Có không ít các ý kiến trái chiều khi các nghệ sĩ chọn việc bán hàng online để có thêm nguồn thu nhập, vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Có khán giả cho rằng làm như thế là mất hình tượng nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng có người ủng hộ, đồng tình, thông cảm với các nghệ sĩ.

Khán giả Khánh Vân (28 tuổi) là một nhân viên văn phòng tại TPHCM. Chị rất thích cải lương nên cũng thường xuyên theo dõi các nghệ sĩ livestream bán hàng; để vừa mua hàng ủng hộ nghệ sĩ, vừa được nghe những ca khúc yêu thích do các nghệ sĩ trình bày theo yêu cầu của khán giả.

Chị Khánh Vân nói với Dân trí: “Với tư cách là một khán giả, tôi nghĩ nghệ sĩ bán hàng online mùa dịch là việc hết sức bình thường. Bởi thật ra nghệ sĩ cũng là người bình thường, khi bỏ đi lớp trang điểm, bỏ đi những vai diễn thì họ cũng cần phải mưu sinh, cần kiếm sống, cần có tiền để trang trải chi phí trong cuộc sống.

Ngoài bản thân họ còn có gia đình, con cái, nên việc buôn bán để trang trải cuộc sống, có thể nuôi được nghề của mình là điều hết sức thiết thực. Đồng thời, nghề bán hàng online đang rất phổ biến, mang lại nguồn thu nhập, không vi phạm pháp luật thì không có gì mà nghệ sĩ phải xấu hổ”.