Các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai con đường” (BRI) bao phủ khắp thế giới tại gần 140 quốc gia; từ lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, mạng, kỹ thuật số đến thương mại. Khi nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bắc Kinh không có khả năng tài trợ cho BRI và ông Tập sẵn sàng quân sự hóa nó để củng cố lợi ích ở nước ngoài, theo nhận định của nhà phân tích Abhyoday Sisodia thuộc khoa nghiên cứu Đông Á, Đại học Delhi (Ấn Độ) trên tờ TFI Global.
Trung Quốc đang tập trung vào các biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn đối với an ninh và quyền của Bắc Kinh trong lãnh hải và không phận, cũng như đối với các dự án xây dựng gắn với BRI.
Các quốc gia lo ngại động cơ ngầm của BRI
Sáng kiến BRI do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Giá trị các dự án lên đến hơn một nghìn tỷ USD, liên quan đến lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, mạng kỹ thuật số và thương mại. BRI được chính quyền Trung Quốc mô tả là quan hệ đối tác “đôi bên cùng có lợi”, hoàn toàn tập trung vào phát triển và kết nối.
Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid-19, nhiều chính phủ bắt đầu lo lắng về các động cơ mờ ám phía sau các dự án BRI. Nhiều trong số đó có công nghệ lưỡng dụng thương mại-quân sự ngày càng được kết nối với các công nghệ kỹ thuật số và hệ thống vệ tinh của Trung Quốc.
Học giả Sisodiacho rằng, Bắc Kinh chuyển đổi BRI thành một công cụ quyền lực cứng để thúc đẩy các chương trình nghị sự tân thuộc địa.
Các chuyên gia luật quân sự và dịch vụ vũ trang của Bắc Kinh nói rằng các công cụ pháp lý bao gồm tất cả mọi thứ, từ hiệp ước quốc tế về triển khai quân sự ở nước ngoài, các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, cho đến biện minh pháp lý cho các hành động quân sự ở các khu vực tranh chấp như Biển Đông. Ngay cả những hành động được thực hiện trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng có thể có yếu tố nước ngoài.
Ông Tập Cận Bình sẵn sàng quân sự hóa vành đai và con đường?
Học giả Sisodia cho rằng, các vành đai, hành lang và con đường của BRI cung cấp cho Bắc Kinh một phương tiện linh hoạt để hỗ trợ các mục tiêu kinh tế và đối ngoại. BRI gồm: Vành đai kinh tế con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa trên biển, Con đường tơ lụa kỹ thuật số, Con đường tơ lụa y tế, Hành lang thông tin trong không gian.
Theo luật pháp Trung Quốc, ngay cả cơ sở hạ tầng được xây dựng bên ngoài Trung Quốc cũng phải phù hợp với các tiêu chuẩn quân sự. Các quy tắc này cho phép quân đội thu giữ tàu, cơ sở và tài sản khác của các doanh nghiệp Trung Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc đối với sự hợp nhất dân sự-quân sự bao gồm khả năng thương mại và quân sự lưỡng dụng trong cơ sở hạ tầng của BRI và công nghệ liên quan.
Học giả Sisodia cho rằng, chiến lược của Bắc Kinh là đặt nền móng cho việc sử dụng BRI trong quân đội và tránh được các ‘cảnh báo đỏ’. Nhiều cảng của BRI tuân theo quy hoạch phát triển “cảng-công viên-thành phố”. Tức là kết hợp cảng với các khu công nghiệp và các lĩnh vực hỗ trợ như dịch vụ đóng tàu để tăng khả năng tiếp nhận tàu Trung Quốc, đặc biệt là tàu hải quân. Tiện ích quân sự tiềm năng của cảng được tăng cường nhờ sự hiện diện của các công ty quốc doanh và thương mại Trung Quốc, nhiều công ty có ảnh hưởng hoạt động đối với các hoạt động của cảng.
Giờ đây khi những cơ sở hạ tầng hỗ trợ này ở khắp mọi nơi. Bắc Kinh không còn có thể tài trợ cho các dự án BRI do tình hình kinh tế bấp bênh. ‘Một Tập Cận Bình đang tuyệt vọng và dễ bị tổn thương’ sẵn sàng quân sự hóa BRI và củng cố những lợi ích đã có ở nước ngoài, ông Sisodia bình luận.
Hành động ông Tập khiến an ninh Trung Quốc vĩnh viễn bị tổn thương
Ông Sisodia cho rằng, Bắc Kinh đang vướng vào một số cuộc xung đột biên giới và mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ ngày càng xấu đi đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quân sự. Hoa Kỳ cử các nhóm tấn công hàng không mẫu hạm đến Biển Đông thường xuyên nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Philippines cũng cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc cản trở và bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của họ tại eo biển tranh chấp.
Năm 2021, quân đội của Trung Quốc hoạt động ở eo biển Đài Loan đã đạt mức kỷ lục; trong khi Mỹ chấp thuận bán các thiết bị và dịch vụ quân sự trị giá 100 triệu USD cho Đài Bắc.
Kể từ năm 2020, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra cuộc tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya. Sau nhiều vòng đàm phán ngoại giao và quân sự, căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao. Quần đảo Điếu Ngư (Senkakus) đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông đã gây ra những căng thẳng ngoại giao giữa cả Bắc Kinh và Tokyo.