Các khoản nợ của Lào chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó khoản nợ Trung Quốc chiếm 75% tổng số nợ nước ngoài. Bắc Kinh sẽ thu giữ tài sản đảm bảo và các cơ sở hạ tầng nếu Lào không trả được nợ, theo Nikkei Asia.

Trung Quốc đang tiếp tục triển khai một số dự án đường cao tốc ở Lào. Các dự án này là một phần của sáng kiến “Vành đai con đường” đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình. Nó vừa là hy vọng vừa là nỗi sợ hãi cho Lào – “quốc gia đang tuyệt vọng vươn mình lên khỏi hàng ngũ các nước kém phát triển nhất thế giới”, trích lời mô tả của Nikkei.

Theo giới quan sát, các khoản vay phát sinh để tài trợ cho các dự án trên có thể khiến Lào chìm sâu vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Khoản nợ của Lào với Trung Quốc tiếp tục tăng cao

Theo Ngân hàng Thế giới, khoản vay từ Trung Quốc của Lào chiếm 75% dư nợ nước ngoài. Trong năm 2021, riêng khoản nợ phải trả cho Trung Quốc tăng khoảng 7% so với năm 2020 (khoảng 442 triệu USD).

Các khoản nợ chính thức của Lào đã vượt quá 60% GDP. Điều đó trực tiếp thách thức khả năng trả nợ của nước này.

Tháng 9/2020, Fitch Ratings đã hạ bậc xếp hạng của Lào từ mức B- xuống CCC (rủi ro tín dụng đáng kể). Fitch đánh giá mức dự trữ ngoại tệ của nước này “không đủ” so với kế hoạch trả nợ trong tương lai.

Nếu Lào không thể trả nợ đúng hạn, nước này có thể rơi vào “bẫy nợ”. Như vậy, nhiều tài sản và cơ sở hạ tầng của Lào sẽ bị Trung Quốc thu giữ.

Năm 2018, Trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu của Mỹ cho rằng, Lào là một trong 8 quốc gia có các khoản nợ đặc biệt lớn đối với Trung Quốc.

Lào tiếp tục vay để xây dựng các tuyến đường cao tốc

Theo tờ Tân Hoa Xã (báo nhà nước Trung Quốc), đầu tháng 6 Lào kêu gọi vốn đầu tư vào một đường cao tốc dài 578 km; trị giá 5,1 tỷ USD. Con đường này nối thủ đô Viêng Chăn với Pakse ở miền Nam. Viện Thiết kế và Quy hoạch Truyền thông tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã đề xuất xây dựng tuyến đường này.

Một dự án khác là tuyến đường cao tốc dài 180 km, trị giá 3,8 tỷ USD nối tỉnh Boten (giáp Trung Quốc) với tỉnh Bokeo (giáp Thái Lan).

Cả hai dự án vẫn đang được phía Lào đàm phán chi tiết, dự kiến sẽ cho phép các công ty Trung Quốc triển khai.

Ngoài ra, còn có một tuyến đường cao tốc dài 110 km nối Viêng Chăn với Vang Vieng. Dự án này cũng dùng vốn từ Trung Quốc, được khai trương vào cuối năm 2020. Dự án này hiện thuộc sở hữu của Trung Quốc 95% theo phương thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT). Sau 50 năm, Lào mới có quyền kiểm soát tuyến đường này.

Như vậy, gánh nặng tài chính là không hề nhẹ đối với một quốc gia nhỏ bé liên tục thâm hụt ngân sách. Theo báo cáo, chi phí xây dựng ba tuyến đường cao tốc do Trung Quốc tài trợ là 17,8 tỷ USD. Con số này lớn hơn gấp 4 lần so với chi tiêu tài khóa 2020; và gần bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào.

Đường cao tốc không phải là cơ sở hạ tầng duy nhất mà Lào phụ thuộc vào Bắc Kinh. Quốc gia này còn sử dụng cả các đoàn tàu do Trung Quốc sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ khai trương vào tháng 12.

Ý đồ của Trung Quốc khi rót vốn vào Lào

Lào phải dựa vào Trung Quốc vì không còn lựa chọn nào khác; trong khi nền kinh tế vốn nghèo khó nay lại tiếp tục sa lầy vì dịch bệnh Covid-19.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nó đã tàn phá ngành du lịch của Lào, khiến Lào phải chuyển sang các dự án xây dựng của Trung Quốc để duy trì tăng trưởng.

Việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho Lào đã phản ánh mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh. Trung Quốc nhận chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, chống lại chủ quyền của một số quốc gia thành viên ASEAN như Việt Nam, Phlippines.

Theo Nikkei, việc Lào nghiêng theo Trung Quốc đang khiến ASEAN buộc phải “cân nhắc kĩ càng các mối quan ngại của Trung Quốc khi đưa ra những quyết định”.