141 người thiệt mạng trong vụ sập cầu cáp treo ở thị trấn Morbi, cảnh sát bang Gujarat (Ấn Độ) đã bắt giữ 9 người liên quan để điều tra nguyên nhân tai nạn.
Tóm tắt nội dung
Cách chức nữ thiếu tá công an say xỉn, lái xe gây tai nạn
Tối 31/10, thiếu tướng Rah Lan Lâm, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã có quyết định kỷ luật cách chức đối với nữ thiếu tá đang công tác tại Công an huyện Đak Đoa lái ô tô gây tai nạn, có biểu hiện say xỉn.
Thiếu tá bị kỷ luật nêu trên là Trần Thị Luận, đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Đak Đoa, theo Tuổi Trẻ.
Nhóm cán bộ ngân hàng BIDV cho vay sai gây thiệt hại hơn 360 tỷ đồng
7 cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô và Tây Nam Quảng Ninh bị cáo buộc duyệt cho vay sai, gây thiệt hại hơn 360 tỷ đồng.
Các bị can thuộc BIDV chi nhánh Thành Đô vừa bị VKSND Tối cao truy tố là: Đỗ Quốc Hùng, cựu giám đốc; Lưu Thị Bích Thủy, cựu phó giám đốc; Phạm Anh Tài, cựu trưởng phòng tín dụng; Nguyễn Văn Hà, cựu phó trưởng phòng tín dụng; Lại Minh Ngọc, cựu trưởng phòng thẩm định.
Những người này bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 điều 179 Bộ luật hình sự 1999, mời quý đọc giả xem chi tiết trên báo VnExpress.
Xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Em họ khai khi bị bắt mới biết ‘ông trùm’ buôn lậu
Theo VTC News, ngày 31/10, phiên tòa xét xử 3 bị cáo cầm đầu, gồm: Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP Hải Phòng); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cùng 70 đồng phạm trong vụ án 200 triệu lít xăng giả tiếp tục phần xét hỏi.
Để làm rõ hơn đường dây buôn lậu, tòa cho mời bị cáo Nguyễn Minh Khoa (Giám đốc Công ty Thuận Phát – em họ bị cáo Viễn). Nguyễn Minh Khoa bị cáo buộc giúp sức cho Đào Ngọc Viễn để trả lương, liên lạc với hai thuyền trưởng tàu Pacific Ocean, Western Sea nhập xăng lậu và hưởng lợi từ hành vi buôn lậu 100 triệu đồng.
Bị cáo Khoa khai chỉ hưởng lương, hưởng chênh lệch từ tiền cho thuê tàu. Bị cáo cho rằng mình không buôn lậu và khi bị bắt mới biết là bị cáo Viễn tham gia buôn lậu. “Bị cáo không oan nhưng không chỉ đạo, không trực tiếp buôn lậu”, bị cáo Khoa nói.
Sập cầu treo ở Ấn Độ: 141 người thiệt mạng, 9 người bị bắt giữ
Cầu treo Morbi được Oreva, công ty chuyên sản xuất đồng hồ, tu sửa trong 6 tháng trước khi bị sập khiến 141 người thiệt mạng.
Truyền thông Ấn Độ cho biết Oreva đã thuê một nhà thầu xây dựng bên ngoài là Devprakash Solutions phụ trách “vấn đề kỹ thuật trong quá trình tu sửa”. Sau khi mở cửa cầu trở lại hôm 26/10, Oreva được phép thu phí người qua cầu, tối đa 17 rupee (0,21 USD).
Một quan chức nói thông thường “chỉ có 20-25 người qua cầu một lúc” để đảm bảo an toàn. Trong khi đó vào thời điểm cầu Morbi sập, gần 500 người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đang tập trung trên và xung quanh cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo.
Cảnh sát Ấn Độ thông báo mở cuộc điều tra hình sự và đã bắt 9 người chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý cầu treo, theo VnExpress.
Truy tố hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và 18 người khác
Theo báo Lao Động, ngày 31/10, Bộ Công an (CO3) đề nghị truy tố hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Cao Minh Chu và Bùi Thị Lệ Phi cùng 18 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ.
Trong vụ án này, Bà Phi được xác định là người đứng đầu tại Sở Y tế Cần Thơ với chức Giám đốc Sở Y tế, là người đứng đầu, trực tiếp quản lý vốn của Nhà nước trong 4 gói thầu thiết bị y tế.
Theo kết luận điều tra, bị can Nga và đồng phạm thông đồng với các cán bộ thuộc Sở Y tế Cần Thơ để giúp Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng 4 gói thầu với tổng trị giá gần 90 tỷ đồng.
Sau khi đấu thầu, bà Phi đã nhận 3 tỷ đồng cho cá nhân mình và 200 triệu cho Sở Y tế từ bị can Nga.
Hành vi của hai cựu Giám đốc Sở và các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỷ đồng.