Tối 10/10, đất đá trên núi bị sạt lở vùi lấp tổ máy số 1, nhà máy thủy điện Kà Tinh, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, khiến một công nhân mất tích.

Sạt lở vùi lấp tổ máy thuỷ điện, công nhân trực máy mất liên lạc

Theo VnExpress, tối 10/10, đất đá trên núi bị sạt lở vùi lấp tổ máy số 1, nhà máy thủy điện Kà Tinh, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, khiến một công nhân mất tích.

Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư huyện Trà Bồng cho biết, vụ sạt lở núi xảy ra lúc 18h30. Đoàn công tác của huyện đang cố gắng tiếp cận hiện trường nhưng chỉ đến được cách vị trí sạt lở 300 m do trời tối, mưa lớn.

“Công trường dự án tối mịt, điện chiếu sáng bị cắt toàn bộ nên khó xác định vị trí sạt lở. Huyện đang lên phương án tiếp cận”, ông Thảo nói.

Sợ cây xăng hết hàng, người dân Hà Nội ùn ùn đi đổ xăng trong đêm

22 giờ đêm 10/10, nhiều cây xăng tại Hà Nội ghi nhận tình trạng người dân xếp hàng chờ đổ xăng đông bất thường.

Nhà ở phố Nguyễn Quý Đức, chị Trần Thị Nga cho biết, người đến đổ xăng ở cây xăng gần nhà bắt đầu đông từ khoảng 18 giờ cho đến 20 giờ đêm vẫn tấp nập. Trong khoảng thời gian này, chị Nga 2 lần đi xe ra để đổ xăng nhưng đành “quay xe” ra về khi nhìn lượng phương tiện xếp hàng quá đông.

“Xe gần hết xăng mà đi 2 lần vẫn về không, tôi chờ đến sáng mai cây xăng mở cửa từ sáng sớm thì ra đổ xăng vậy, chứ không thể kiên nhẫn xếp hàng được”, chị Nga nói.

Đại diện các cửa hàng này đều khẳng định nguồn xăng dự trữ khá dồi dào, không xảy ra tình trạng hết hàng, phải đóng cửa. Tuy nhiên, từ chiều tối 10.10, số lượng người đi đổ xăng (chủ yếu là xe máy) tăng bất thường khiến các cây xăng này phải điều thêm nhân viên tăng ca để phục vụ nhu cầu người dân, theo Thanh Niên.

Người dân kiên nhẫn xếp hàng chờ đồ xăng trên đường Nguyễn Quý Đức (ảnh chụp màn hình trên báo Thanh Niên).

Nhảy xuống nước cứu học sinh, người đàn ông ở Quảng Nam bị lũ cuốn trôi

Sau khi nghe thông tin một học sinh bị nước cuốn trôi, ông Hương nhảy xuống cứu nhưng không may bị nước lũ cuốn trôi mất tích.

Theo đó, chiều tối cùng ngày, sau khi nghe thông tin một học sinh bị nước cuốn trôi ở khu vực khối phố Đông Trà (phường Hòa Thuận), ông Đoàn Văn Hương (trú cùng địa phương), nhảy xuống tìm nhưng không may bị nước lũ cuốn trôi mất tích.

Còn cháu bé nói trên khi đang trôi thì may mắn được một người đàn ông khác phát hiện cứu sống, theo VTC News.

Rau VietGAP phải bán giá chợ

Không vào được siêu thị, nhiều năm nay nông dân trồng rau ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, phải bỏ mác VietGAP để cạnh tranh với rau chợ.

Từ hơn 10 năm nay, toàn bộ 250 ha trồng rau của xã Văn Đức được chuyển qua trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn, trong đó 27 ha theo quy trình VietGAP. Nông dân trồng rau theo quy trình chuẩn, đất không bị nhiễm độc, nước tưới không bị ô nhiễm, giống cây nguồn gốc rõ ràng, phân bón nằm trong danh mục được phép, không dùng thuốc hóa học bị cấm và ưu tiên dùng thảo mộc hoặc sinh học.

Ông Nguyễn Văn Thắng, người trồng rau ở xã Văn Đức, kể nhiều hôm mang rau có tem mác VietGAP ra chợ bán, nhưng lại bị hoài nghi. Nhiều người nghĩ là rau ế, đưa vào siêu thị không được nên mang ra chợ bán. “Chúng tôi phải tháo tem mác, bao bì để bán như rau bình thường. Người ta bán 1.000 đồng thì chúng tôi cũng phải bán như vậy, rất thiệt thòi”, ông Thắng nói, theo VnExpress.

Người đàn ông làm cỏ cho rau bằng tay (ảnh chụp màn hình trên báo VnExpress).

Sét đánh chết hơn 3 tấn cá của ngư dân Quảng Bình

Ngày 10/10, ông Trần Kim Trung – Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi nắm thông tin sự việc, địa phương đã có chỉ đạo nhằm hỗ trợ các hộ có thiệt hại nặng và hỗ trợ người dân tìm hướng tiêu thụ lượng cá chết do sét đánh.

Trước đó, vào khoảng 21h30 ngày 9/10, tại thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc xảy ra trận dông sét dữ dội. Trong đó, 10 hồ cá của 5 hộ dân bị sét đánh trúng.

Theo người dân địa phương, sáng 10/10, nhiều chủ hồ bất ngờ phát hiện cá chết hàng loạt, tấp vào ven bờ sau khi bị sét đánh trúng. Lượng lớn cá bị chết đang trong độ tuổi phát triển, một số sắp thu hoạch, theo VTC News.

Ảnh chụp màn hình trên báo VTC News.