Siêu bão số 4 có thể thổi tốc mái nhà ngói và nhà lợp tôn; tường gạch yếu sẽ bị đổ; bốc cả thuyền lên bờ. Theo tiến sĩ Huy, bà con sống ở Nam Trung Bộ và Trung Bộ có 2 ngày để ‘chạy bão triệt để!’

Theo tiến sĩ, chuyên gia khí hậu Nguyễn Ngọc Huy, sáng nay bão số 4 (bão Noru) đã mạnh lên thành siêu bão với vận tốc gió lên đến 215km/h.

Bão đi qua phần đất liền thấp phía Nam của Philippines nên không bị địa hình phá cấu trúc bão. Noru sẽ duy trì sức mạnh của siêu bão khi vào Biển Đông. Mọi điều kiện khí tượng đang rất thuận lợi cho cơn bão này.

Theo Ts Huy, đây là một siêu bão rất nguy hiểm bởi cấp gió rất lớn. Nó lớn hơn bão Sangsane vào Đà Nẵng năm 2006 và lớn hơn bão Damrey (bão số 12 năm 2017 vào Nha Trang).

Duy trì sức tàn phá khi vào Việt Nam

Theo ông Huy, so với dự báo những ngày trước, địa điểm đổ bộ của tâm bão sẽ lệch hướng Nam; dự kiến bão sẽ vào khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam và có thể tiếp tục lệch Nam trong những giờ tới.

Do bán kính bão rất lớn và cường độ bão rất mạnh nên các tỉnh từ Quảng Bình tới Nha Trang thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão. Vùng có gió bão rất mạnh dự kiến từ Huế tới Phú Yên. Bão cũng lên tận Tây Nguyên với sức gió lớn, năng lượng nhiều.

Khả năng cấp bão khi vào biển Đông và tiếp cận gần bờ đạt tới cấp 15-16, giật trên cấp 17. Thời gian bão vào Việt Nam khoảng đêm 27/9, rạng sáng ngày 28/9.

Hình ảnh thực tế khi một tàu hàng vượt qua cơn bão biển (ảnh chụp từ video kênh Sea Lad). Tuy nhiên, với sức gió cấp 17 của một siêu bão, một chiếc tàu hàng như này sẽ bị đánh chìm.
Hình ảnh thực tế khi một tàu hàng vượt qua cơn bão biển (ảnh chụp từ video kênh Sea Lad). Tuy nhiên, với sức gió cấp 17 của một siêu bão, một chiếc tàu hàng như này sẽ bị đánh chìm.

Hãy chạy bão triệt để

“Bão sẽ vào khu vực đất liền phía Bắc Manila vào 3 giờ chiều nay và giữ cường độ CAT5 với vận tốc gió 250km/h. Đây là nơi có mật độ dân cư đông đúc trên địa bàn rộng nhiều tỉnh phía Tây và họ có quá ít thời gian để chuẩn bị. Tôi mong họ tìm được nơi sơ tán kịp thời.

Bà con sống ở Nam Trung Bộ và Trung Bộ có 2 ngày để chạy bão. Hãy chạy bão triệt để!!!!!”

T.S Nguyễn Ngọc Huy

Ông Huy khuyến cáo, người dân ven biển các tỉnh TT Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tới Phú Yên, một phần bắc Khánh Hòa phải khẩn cấp  tìm nơi tránh trú an toàn tại các nhà bê tông kiên cố, ở vùng không ngập lụt. Nên sơ tán tại chỗ sang nhà hàng xóm hoặc nhà kiên cố gần nhất. Ông Huy nhấn mạnh “bão này thì nhà ngói và nhà lợp tôn sẽ có nguy cơ bị tốc mái, tường gạch yếu sẽ bị đổ khi tâm bão đi qua”.

Tích trữ nhu yếu phẩm ít nhất cho 5 ngày.

Sạc đầy điện thoại và tiết kiệm khi sử dụng vì bão có thể gây mất điện.

Khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ và tìm nơi neo đậu an toàn. Với siêu bão này mà neo đậu không tốt thì nó có thể bốc cả thuyền lên bờ.

Hạ biển quảng cáo ngoài trời, gia cố giàn giáo bê tông ở các công trình đang xây dựng.

Hạ mực nước ở các hồ chứa nước.

Gia cố lồng bè nuôi cá trên biển và tuyệt đối không ở lại lồng bè, tầu thuyền.

Cắt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa, chèn mái tôn bằng bao cát.

Tuyệt đối không ra ngoài đường trong khoảng thời gian từ 15h chiều ngày 27/9 đến 15h ngày 28/9 ở vùng có bão đi qua.

Các tài xế xe tải, những người có kế hoạch di chuyển bằng đường bộ qua khu vực có bão thì cân nhắc ở lại các khu vực giáp ranh với tâm bão. Phía Bắc là Quảng Trị và phía Nam là Ninh Thuận.

Về TS Nguyễn Ngọc Huy

TS Nguyễn Ngọc Huy (ảnh chụp màn hình VTV).
TS Nguyễn Ngọc Huy (ảnh chụp màn hình VTV).

Theo VnExpress, Tiến sĩ Huy có 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu về hạn hán, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng làm việc với vai trò cố vấn cho các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế ở các quốc gia khác nhau về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Hiện tiến sĩ Huy đang giảng dạy chương trình thạc sĩ Biến đổi khí hậu tại Đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội.