Site icon MUC News

Sinh toàn con gái thì sao?

Con cái là cái duyên và sinh con là một hành trình thuận tự nhiên (Ảnh: Internet )

Sinh toàn con gái thì sao? Ở đâu đó, người phụ nữ sinh toàn con gái vẫn nghe thấy những lời như “cố thêm thằng cu”. Đã đến lúc chúng ta cần hỏi lại: sinh con – có phải để chọn giới tính? Sinh toàn con gái có thật là điều thiếu sót? Hay chính định kiến mới là điều cần thay đổi?

Sinh toàn con gái thì sao? Có phải là còn “thiếu” ?

Tôi là một người mẹ của hai cô con gái. Chuyện đó, thoạt nghe, chẳng có gì lạ – cho đến khi bạn đặt nó vào bối cảnh xã hội Việt Nam hơn ba mươi năm trước. Khi tôi sinh bé gái đầu tiên, mọi người đều chúc mừng. Nhưng đến lần thứ hai, những ánh mắt ái ngại và câu hỏi nửa đùa nửa thật bắt đầu xuất hiện:

“Phải cố thêm thằng cu nữa chứ?”

“Không có con trai sau này ai thắp hương?”

“Hai cô thế này chắc cũng buồn…”

Những câu nói đó dù không ác ý; vẫn như một lưỡi dao nhỏ cứa vào lòng người làm mẹ. Nó không chỉ thể hiện định kiến, mà còn gửi một thông điệp rõ ràng: giới tính của đứa trẻ mới là điều khiến người lớn bận tâm, chứ không phải sức khỏe, phẩm chất hay tương lai của con.

Tôi đem nỗi niềm kể với chồng, và anh chỉ nói nhẹ nhàng: Con gái thì sao, chỉ cần ngoan.”

Câu nói ấy không hoa mỹ, nhưng là chỗ dựa để tôi dũng cảm đi qua những năm tháng nhiều định kiến – và cũng là lý do tôi tin rằng: đã đến lúc xã hội cần nhìn lại định nghĩa “con đủ nếp đủ tẻ”.

Nuôi dạy một con người tử tế quan trọng hơn gấp bội so với việc có con trai hay con gái (Ảnh: Internet)

Định kiến trọng nam: Gốc rễ từ văn hóa Nho giáo

Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa Nho giáo với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu hàng trăm năm. Trong đó, con trai được xem là người “nối dõi tông đường”, “thừa tự gia phong”; còn con gái thì “gả đi là người ngoài”. Chính hệ tư tưởng này đã tạo nên áp lực vô hình (và cả hữu hình) lên những người phụ nữ chỉ sinh con gái.

Ngay cả ngày nay, khi xã hội hiện đại hơn, nhiều gia đình vẫn giữ tâm lý: “Ít nhất phải có một đứa con trai để yên lòng”. Áp lực ấy khiến không ít phụ nữ phải chịu đựng việc sinh nở nhiều lần; can thiệp giới tính thai nhi; hoặc tự trách bản thân khi không sinh được “đứa nối dõi”. Nhưng ta quên rằng:

Sinh toàn con gái thì sao? – Giới tính không quyết định lòng hiếu nghĩa

Nhiều người vẫn ngộ nhận rằng: con trai mới là chỗ dựa, con gái rồi cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nhưng thực tế lại đầy những minh chứng ngược lại.

Tôi từng đọc những câu chuyện có thật, như cụ bà ở Thái Bình, có hai con trai; nhưng khi đau yếu, chính cô con gái là người túc trực, lo thuốc thang. Hay một người mẹ ở Hải Dương, khi nằm viện, con gái xin nghỉ làm để chăm sóc ngày đêm; còn con trai ở xa chỉ gọi điện.

Với bản thân tôi, hai con gái giờ đã trưởng thành, đi làm xa; nhưng chưa bao giờ để bố mẹ thiếu yêu thương. Đôi khi chỉ là một gói yến, hộp sữa; tin nhắn dặn dò uống thuốc nhưng tôi hiểu, trong đó là cả tấm lòng.

Tình yêu và hiếu nghĩa không nằm ở nhiễm sắc thể giới tính. Nó nằm ở cách con được yêu thương, nuôi dạy, và cảm nhận về giá trị gia đình.

Những chuyển dịch tích cực, nhưng chưa đủ

Không thể phủ nhận: xã hội hiện đại đang dần thay đổi. Nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn dừng lại ở hai con gái. Nhiều ông bà nội giờ cũng cởi mở hơn với “con dâu sinh con gái”. Tư tưởng “đủ nếp đủ tẻ” dần lùi lại phía sau.

Thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy, ở một số tỉnh thành, tỷ lệ giới tính khi sinh đã có dấu hiệu cân bằng trở lại. Tuy nhiên, con số trung bình vẫn ở mức 112 bé trai trên 100 bé gái cho thấy sự “thiên lệch” vẫn tồn tại.

Sự thay đổi tư duy phải đi từ chính mỗi gia đình. Nếu người chồng không còn giữ tư tưởng “phải có con trai”; nếu ông bà nội không xem con gái là thiệt thòi; nếu bản thân người mẹ hiểu rằng mình không “kém cỏi” vì sinh con gái thì xã hội mới thực sự thay đổi.

Thuận tự nhiên – cũng là một cách yêu thương

Sinh con là một phép màu, và mỗi đứa trẻ đều đến với ta theo cách riêng của nó. Đứa bé ấy không chọn giới tính, nhưng hoàn toàn có thể sống tử tế, nhân ái và hiếu nghĩa; nếu được nuôi bằng tình yêu thương và sự tôn trọng.

Thay vì tìm cách can thiệp giới tính để “có nếp có tẻ”, hãy để mọi chuyện diễn ra theo lẽ tự nhiên. Bởi thuận tự nhiên cũng là một biểu hiện của sự yêu thương; yêu con như cách con đến với mình, không ép buộc, không toan tính.

Thuận tự nhiên – cũng là một cách yêu thương. (Ảnh: internet)

Sinh toàn con gái thì sao? Hãy tự hỏi lại…

Nếu các con sống hiếu thảo, biết yêu thương cha mẹ; đóng góp tích cực cho xã hội thì sinh con gái đâu phải điều thiệt thòi?

Chúng ta không chọn được giới tính của con. Nhưng ta chọn được cách làm cha mẹ – chọn bao dung hay định kiến, chọn yêu thương hay tính toán.

Và câu hỏi sau cùng không phải là “Sinh con gái có thiệt không? mà là:

“Ta có đủ rộng lòng để đón nhận những đứa con đúng như cách mà chúng đến với cuộc đời ta không?’

Nguồn: Sưu tầm