Một nhà nghiên cứu Indonesia đã phân tích sự thật đằng sau việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Tác giả cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng chiêu bài “vì môi trường” để thúc đẩy yêu sách phi pháp trong vùng biển chiến lược.

“Trung Quốc đang chia sẻ lợi ích của mình hay chỉ đánh lừa đối thủ?”, theo tác giả Mahbi Maulaya, trợ giảng và nghiên cứu sinh tại đại học Muhammadiyah Yogyakarta, Indonesia, và là trưởng nhóm nghiên cứu tại Kampartra Post, một cơ quan truyền thông khu vực ở tỉnh Riau của Indonesia.

Trên Diễn đàn về chính sách châu á – Thái Bình Dương (APPS), tác giả Maulaya đề cập đến lệnh đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông từ ngày 1/5 đến ngày 16/8.

“Lệnh cấm này khiến tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào cũng bị coi là bất hợp pháp và bị Trung Quốc cưỡng chế nếu hoạt động ở trong khu vực Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 độ của Biển Đông”.

Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm như vậy từ năm 1999. Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc lý luận rằng lệnh cấm này là “nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá biển bền vững và cải thiện hệ sinh thái biển”.

“Nhưng liệu chính sách cấm đánh bắt của Trung Quốc có phải chỉ dựa trên sự quan tâm đến môi trường biển? Hay đó chỉ là một chiến lược để cho phép Trung Quốc chèn ép các đối thủ của mình và thể hiện chủ quyền mà họ đã tuyên bố đối với khu vực?”, Maulaya chất vấn.

Tác giả cho biết trữ lượng hải sản ở Biển Đông đã giảm nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do tình trạng đánh bắt quá mức, trong đó hàng trăm tàu cá Trung Quốc là lực lượng chủ yếu.

Các tàu cá Trung Quốc khai thác quá mức ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình Asiasociety.org).
Các tàu cá Trung Quốc khai thác quá mức ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình Asiasociety.org).

Hầu như hàng năm khi lệnh cấm bắt đầu, các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông thường phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Năm nay, Việt Nam lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là “vi phạm quyền tài phán chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam” theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Philippines cũng có quan điểm tương tự.

Tuy nhiên, những cuộc phản đối này có thể không có kết quả. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là một chiến lược khó bị đối phó. Dù các nước phản ứng thế nào, thì Trung Quốc đều chiếm thế.

Nếu Việt Nam và Philippines phản đối lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc, Trung Quốc có thể lấy cớ là hai nước không quan tâm đến tính bền vững ở Biển Đông, lên án hai nước đặt lợi ích quốc gia lên trên yêu cầu bền vững về môi trường.

Nhưng nếu Việt Nam và Philippines chấp nhận chính sách đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thì các nước dường như phải mặc nhiên công nhận quyền thực thi lệnh cấm đó của Trung Quốc.

Vì vậy, “Philippines và Việt Nam đang mắc kẹt” trong tình thế này, theo tác giả người Indonesia. Maulaya cảnh báo, thế giới nên cảnh giác vì một số nước như Trung Quốc đang lợi dụng vấn đề môi trường như một công cụ để thúc đẩy tham vọng của họ.