Các nhà lãnh đọa thế giới như Thủ tướng Đức đã đi tàu tới thủ đô Ukraine vào sáng 16/6, cùng với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Ý. Một chuyến đi như vậy là “vấn đề đau đầu về an ninh nhưng có rất ít lựa chọn thay thế”, theo DW.

Điều quan trọng để tổ chức những chuyến thăm như thế này là phải giữ bí mật, nếu không “các nhà lãnh đạo có thể trở thành nạn nhân của cuộc tấn công từ Nga”.

Đi tàu tới Ukraine là phương tiện khả thi nhất

Quân đội Nga hiện đã rút khỏi Kyiv, nhưng vẫn khó có thể đến thủ đô Ukraine bằng bất kỳ phương tiện nào khác ngoài đường sắt. Không phận Ukraine đã bị đóng cửa kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Nhiều tuyến đường bộ vẫn chưa thể đi lại được do giao tranh nghiêm trọng.

Do đó, đường sắt đã trở thành phương tiện tốt nhất để vận chuyển các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đến Kyiv, theo DW. Vào ngày 15/3, khi chiến sự Ukraine bùng phát được 3 tuần, thì một số nhà lãnh đạo EU từ Slovenia, Ba Lan, Séc đã bất ngờ tới thăm Kyiv.

Các nhà lãnh đạo ở châu Âu đi tàu tới Ukraine vào tháng 3/2022 (ảnh: Twitterr).
Các nhà lãnh đạo ở châu Âu đi tàu tới Ukraine vào tháng 3/2022 (ảnh: Twitterr).

Sau chuyến công du lịch sử đầu tiên của các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu, các chính trị gia hàng đầu khác như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến Ukraine bằng đường sắt.

Một số chính trị gia Đức cũng đã tới Ukraine, bao gồm Ngoại trưởng Annalena Baerbock và lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz. Sau một số cuộc trao đổi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng quyết định thực hiện chuyến đi tới Kyiv cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Mario Draghi.

Dù khả thi nhưng vẫn rất nguy hiểm

Mặc dù hiện nay giao tranh chủ yếu chuyển sang miền đông Ukraine, hành trình đến Kyiv bằng tàu hỏa không phải là không có rủi ro. Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tiếp tục dội xuống các đường ray, cầu và ga xe lửa của tỉnh, đặc biệt là nhằm làm gián đoạn nguồn cung cấp vũ khí.

Khi các chính trị gia nước ngoài đến Kyiv bằng tàu hỏa, họ thường lên tàu Ukraine để đi từ biên giới Ba Lan vào Ukraine. Lý do cho việc chuyển tàu là vì chiều rộng đường ray ở châu Âu và Ukraine là khác nhau. Các phái đoàn thường được tháp tùng bởi các nhân viên an ninh quốc gia của họ cũng như các nhân viên an ninh Ukraine.

Vì lý do bí mật, thông tin về chuyến thăm thường chỉ được công bố khi các nhà lãnh đạo đã có mặt tại Kyiv. Nhưng cũng có ngoại lệ. “Các đội an ninh của Ukraine và Ba Lan hẳn đã không hài lòng khi Thủ tướng Ba Lan Morawiecki công bố chuyến thăm của ông khi vẫn đang trên đường tới Kyiv”, theo DW.

Chủ tịch của Đường sắt Ukraine, Oleksandr Kamyshin, sau đó đã nói với đài truyền hình CNN của Mỹ rằng việc thể hiện tình đoàn kết là điều đáng hoan nghênh, nhưng việc công bố nó quá sớm là điều hơi hấp tấp.

Sau khi đến, các chính trị gia chỉ dành vài giờ ở Kyiv, gặp gỡ Tổng thống Zelenskyy, thăm các vùng ngoại ô bị tàn phá bởi chiến tranh và có thể thưởng thức một bữa ăn.

Theo DW, các chuyến thăm như vậy dù nguy hiểm nhưng chủ yếu mang tính biểu tượng. Các nhà lãnh đạo châu Âu thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ giúp đỡ Ukraine đứng vững trước cuộc xâm lược của Nga.

Sau đó, các nhà lãnh đạo lại đi tàu từ Ukraine tới Ba Lan để về nước, và một hành trình nguy hiểm lại bắt đầu.