Taliban đang háo hức muốn tham gia dự án “vành đai và con đường” của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có chung ý muốn này nhưng không vội vàng rót tiền vào Afghanistan.
Tóm tắt nội dung
Taliban muốn tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc
Theo Nikkei Asia, người phát ngôn của Taliban, Zabiullah Mujahid cho biết, chính phủ mới muốn tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Đây là chuỗi dự án trị giá 50 tỷ USD thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường – BRI” của Bắc Kinh.
Một nguồn tin có liên hệ mật thiết với Taliban nói với Nikkei Asia rằng, Trung Quốc đã “mời gọi” Taliban kể từ năm 2018 về các dự án ở Afghanistan. Ông nói: “Có những thỏa thuận miệng giữa Bắc Kinh và Taliban về các khoản đầu tư. Khi chính quyền Taliban được toàn cầu công nhận, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở Afghanistan”.
Nguồn tin cho rằng Trung Quốc sẽ không quan tâm nhiều đến nhân quyền tại Afghanistan dưới chế độ Taliban (trong đó phụ nữ và trẻ em gái đang gặp nguy hiểm nhất). Họ tập trung hơn vào việc quản lý hiệu quả và đối phó với các chiến binh Duy Ngô Nhĩ.
Ngày 8/9, một cuộc họp trực tuyến của ngoại trưởng các nước láng giềng với Afghanistan đã diễn ra; bao gồm Trung Quốc, Iran, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Pakistan. Người chủ trì làngoại trưởng Pakistan – Shah Mehmood Qureshi.
Tại cuộc họp, Bắc Kinh hứa viện trợ khẩn cấp 31 triệu USD cho Afghanistan; gồm ngũ cốc, vật tư mùa đông, vắc xin và thuốc men.
Theo tờ báo Hoàn Cầu (Trung Quốc): “Những gì Bắc Kinh có thể làm bây giờ là duy trì các liên lạc cần thiết với Taliban trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế bình thường”.
Bắc Kinh sẽ can dự ngày một nhiều hơn vào Afghanistan dưới chế độ Taliban
Thành viên cao cấp Quỹ Marshall của Đức, Andrew Small tin rằng các yêu cầu đầu tư ngay lập tức của Taliban sẽ tạo ra đòn bẩy cho Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ cung cấp một khoản tài trợ ngay lập tức, nhưng sẽ can dự nhiều hơn.
Ông Small nói với Nikkei: “Bắc Kinh sẽ đàm phán về phần mở rộng Vành đai Con đường và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan; nhưng sẽ không tiến hành bất cứ điều gì trên thực tế cho đến khi họ tự tin về các điều kiện chính trị và an ninh”.
Trung Quốc biết rõ về nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Afghanistan; trong đó có mỏ đồng Mes Aynak – có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2008, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê thăm dò với giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, công việc đã bị đình trệ vì lo ngại vấn đề an ninh. Các khoản đẩu tư lớn của Bắc Kinh có thể dễ dàng thất bại trong bối cảnh bất ổn như vậy.
Trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế Praha, Jeremy Garlick nói với Nikkei: “Đồng rất cần thiết cho hệ thống dây điện; sản phẩm điện tử, động cơ và nhiều sản phẩm khác được sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không vội nhét đầu vào miệng sư tử. Họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng bất kỳ quyết định nào khi can dự sâu hơn vào Afghanistan”.
Pakistan cần thận trọng khi cho phép mở rộng CPEC sang Afghanistan
Các quan chức chính phủ Pakistan hoan nghênh việc Taliban muốn trở thành một phần của CPE, tức Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Ngày 7/9, Bộ trưởng Nội vụ, Sheikh Rashid Ahmed, cho biết tiến trình của Pakistan và Afghanistan có mối liên hệ với nhau.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Pakistan cần thận trọng với việc cho phép mở rộng CPEC sang Afghanistan. Tác giả cuốn ‘Tác động của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc: Từ châu Á đến châu Âu’, Garlick cho biết: “Pakistan phải vật lộn với sự ổn định nội bộ và chủ nghĩa khủng bố. Việc mở rộng CPEC sang Afghanistan sẽ làm tăng thêm gánh nặng rủi ro cho Pakistan”.