Một chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn nhắm vào máy chủ SharePoint của Microsoft đã khiến khoảng 100 tổ chức bị xâm nhập. Trong khi đó, Figma chuẩn bị IPO với kỳ vọng định giá 13 tỷ USD và China Unicom hé lộ chiến lược AI tham vọng với siêu cụm 100.000 GPU.

Microsoft bị tấn công mạng, hơn 9.000 máy chủ toàn cầu có nguy cơ

Microsoft đang đối mặt với một chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn, nhắm vào phần mềm máy chủ SharePoint tự triển khai, khai thác lỗ hổng zero-day chưa từng được công bố. Khoảng 100 tổ chức, trong đó có các cơ quan chính phủ tại Mỹ và Đức, đã bị xâm nhập.

Theo báo cáo từ Shadowserver Foundation và công ty bảo mật Eye Security, hơn 9.000 máy chủ toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Google nghi ngờ nhóm hacker có liên hệ với Trung Quốc đứng sau, song Bắc Kinh từ chối bình luận.

Dù vậy, các máy chủ SharePoint chạy trên nền tảng đám mây không bị ảnh hưởng. Microsoft đã phát hành bản vá khẩn cấp và khuyến cáo người dùng cập nhật ngay. FBI và cơ quan an ninh mạng Anh đã vào cuộc điều tra. Các chuyên gia cảnh báo cần thực hiện kiểm tra an ninh sâu, không chỉ cài bản vá.

Figma IPO: “Google Docs” của giới thiết kế định giá 13,6 tỷ USD

Nền tảng thiết kế cộng tác Figma chính thức khởi động quá trình IPO với mục tiêu huy động 1 tỷ USD, hướng tới định giá 13,6 tỷ USD. Figma hiện có hơn 13 triệu người dùng hàng tháng và là công cụ thiết kế không thể thiếu cho các nhóm làm việc từ xa, được ví như “Google Docs” của ngành thiết kế.

Ứng dụng nổi bật nhờ khả năng thiết kế theo thời gian thực, tích hợp mạnh với Web, branding, UX/UI, và cả blockchain. Figma từng thu hút sự chú ý khi Adobe đề nghị mua lại với giá 20 tỷ USD năm 2022, nhưng thương vụ không thành.

Nếu IPO thành công, Figma sẽ nằm trong top các vụ niêm yết công nghệ lớn nhất năm, cùng với Circle và Chime. CEO Dylan Field dự kiến sẽ bán bớt cổ phần trong đợt này.

China Unicom xây dựng cụm AI siêu khủng với 100.000 GPU

China Unicom – nhà mạng lớn tại Trung Quốc – công bố kế hoạch xây dựng cụm siêu máy tính AI gồm 100.000 GPU, đạt công suất 45 EFLOPS vào cuối năm 2025. Đây sẽ là một trong những hạ tầng AI lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, China Unicom còn triển khai mạng tính toán thế hệ mới với băng thông 800G và 1.2T, có khả năng tự tối ưu, tự phục hồi lỗi, nâng cao hiệu suất và trải nghiệm người dùng.

Đáng chú ý, hãng viễn thông này ra mắt nền tảng AI Yuanjing Wanwu, cho phép xây dựng sản phẩm AI nhanh chóng với giải pháp zero-code và low-code, giúp doanh nghiệp thương mại hóa AI hiệu quả hơn.

Theo: VTC NEWS