tau trung quoc tham lam vo do gay nguy co xung dot vu trang
Hải quân Ecuador theo dõi một tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Ecuador (ảnh chụp màn hình video SCMP trên Youtube).

Vào cuối tháng 7, hải quân Ecuador đã phát hiện khoảng 260 tàu, trong đó có nhiều tàu mang cờ Trung Quốc, hoạt động ngay bên ngoài khu bảo tồn biển thuộc Quần đảo Galapagos của Ecuador. Các đội tàu Trung Quốc đã đánh bắt ở khu vực này trong suốt mùa hè kể từ năm 2017, nhưng quy mô năm nay dường như lớn chưa từng có – hơn 300 tàu.

Hàng trăm tàu ​​thuyền Trung Quốc đánh cá gần quần đảo Galapagos đã làm dấy lên nhiều lo ngại về thiệt hại môi trường, hoạt động của họ phản ánh sự cạnh tranh ngày càng tăng về tài nguyên và có thể leo thang thành xung đột vũ trang, theo Business Insider.

Cuối năm 2017, thủy thủ đoàn của một tàu Trung Quốc đã bị bỏ tù ở Ecuador sau khi đánh bắt 300 tấn cá trong khu bảo tồn, bao gồm cả cá mập có nguy cơ tuyệt chủng. Các đội tàu còn đổ rác thải nhựa xuống nước và đe dọa động vật hoang dã di chuyển vào và ra khỏi vùng biển được bảo vệ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ecuador và nói rằng đã đến lúc “Trung Quốc phải dừng các hoạt động đánh bắt không bền vững, vi phạm quy tắc và cố ý làm suy thoái môi trường.”

Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Mỹ đang “đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm” và nên “tập trung hơn vào các vấn đề của riêng mình.”

Đánh bắt ‘tham lam vô độ’

Business Insider cho rằng các đội tàu đánh cá Trung Quốc này đã được sử dụng để khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Khi tài nguyên gần bờ cạn kiệt, đội tàu đã vươn ra nước ngoài, tới tận Ecuador để khai thác và gây ra những tranh chấp hàng hải xa hơn nữa.

Indonesia đã mô tả hoạt động đánh cá của Trung Quốc là “tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” và đã cho nổ ít nhất một tàu đánh cá của nước này. Các nước châu Phi đã bắt giữ tàu Trung Quốc bị tình nghi đánh bắt trái phép.

Các nước Mỹ Latinh cũng ngày càng cảnh giác – Argentina thường xuyên phản đối việc đánh bắt cá trái phép, đã bắn và đánh chìm nhiều tàu ​​thuyền của Trung Quốc.

Bộ Tư lệnh Phương Nam là cơ quan giám sát hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, bình luận rằng “sự tham lam vô độ” của Trung Quốc đối với hải sản là mối đe dọa an ninh đối với vùng biển đó.

Nguy cơ xung đột vũ trang

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis cho biết các đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đôi khi còn được hộ tống bởi các tàu hải cảnh của nước này. Ông gọi đây là một kiểu “chiến tranh lai”.

Các đội tàu Trung Quốc đang gây ra nguy cơ xung đột tại những vùng biển mà họ tranh giành quyền đánh bắt.

“Các tranh chấp về quyền đánh bắt cá có thể biến thành một cuộc xung đột vũ trang đang lớn dần”, theo sỹ quan chỉ huy Cảnh sát biển Hoa Kỳ Kate Higgins-Bloom.

Ông James Bosworth, người sáng lập công ty cảnh báo rủi ro chính trị Hxagon, cho rằng các nước Nam Mỹ như Ecuador cần “đưa ra phản ứng thống nhất để gây áp lực buộc Trung Quốc hạn chế hoạt động đánh bắt”.

Ông gợi ý rằng các nước Mỹ Latinh có thể hợp tác nhiều hơn về quân sự để “tuần tra các vùng ven biển”, mặc dù hiện giờ họ mới chỉ giám sát và báo cáo.