Sự thất bại liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi mới chỉ bắt đầu, theo ông Ian Bremmer, chủ tịch của Eurasia Group và GZERO Media và là tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của khủng hoảng.”

Trên trang Nikkei Asia ngày 16/8, ông Bremmer đưa ra nhận định về lý do bà Pelosi đến Đài Loan bất chấp những lời cảnh báo từ Trung Quốc và cả Mỹ.

“Bà Pelosi quyết định đi (thăm Đài Loan) vì bà ấy biết mình sắp kết thúc sự nghiệp chính trị và muốn được nhớ đến như một nhà lãnh đạo không ngại đứng lên đấu tranh cho một nền dân chủ kiên định bị mắc kẹt dưới cái bóng của một kẻ bắt nạt độc tài khổng lồ”, ông Bremmer viết.

Những người ủng hộ bà Pelosi chỉ ra rằng đã có tiền lệ cho một chuyến thăm như vậy. Một phần tư thế kỷ trước, Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Newt Gingrich (Đảng Cộng hòa) đã phớt lờ những lời cảnh báo chói tai từ Bắc Kinh và đến Đài Bắc.

“Nhưng nhiều điều đã thay đổi trong 25 năm qua. Sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ vẫn là vô song, nhưng sức mạnh quân sự của chính Trung Quốc, ít nhất là ở khu vực lân cận của nó, hiện đã lớn hơn nhiều so với trước đây”, theo ông Bremmer.

Hơn nữa, thời điểm bà Pelosi thăm Đài Loan là nhạy cảm hơn rất nhiều; vì chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đó, Tổng Bí thư Tập Cận Bình, người đưa ra những chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh, dự kiến sẽ giành thêm nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ lịch sử thể chế cai trị của Trung Quốc hiện đại.

Ông Bremmer cho rằng: “Đây không phải là thời điểm mà nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhún nhường trước một hành động quyết đoán của Mỹ mà ông đã phản đối”.

Ngoài ra, một thất bại khác trong chuyến thăm là nó đã “nhấn mạnh sự phi lý không bền vững của thỏa thuận Mỹ-Trung về Đài Loan”.

Cụ thể, ông Bremmer cho biết: “Bắc Kinh tiếp tục giả vờ rằng họ có quyền ép buộc 23 triệu công dân Đài Loan dân chủ phải chấp nhận sự áp đặt của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Washington tiếp tục giả vờ rằng họ quan tâm nhiều đến tương lai của Đài Loan như Trung Quốc”.

Ông Bremmber cho rằng Tổng thống Biden đã làm tăng thêm sự bối rối khi nhấn mạnh vào ba trường hợp mà Mỹ sẽ chiến đấu với Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan. Đây là một tuyên bố mà các tổng thống trước đây hết sức né tránh. Bất chấp những tuyên bố rõ ràng của mình, các quan chức Nhà Trắng đã cố gắng bảo vệ sự mơ hồ chiến lược của Mỹ bằng cách nhấn mạnh rằng ông Biden không thay đổi chính sách của Mỹ.

Nỗi lo lớn nhất là chuyến thăm của bà Pelosi đã đặt ra tiền lệ mới, theo ông Bremmer. Trung Quốc lấy cớ này mà tung ra các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật xung quanh Đài Loan. Giờ đây, ông Tập nhiều khả năng sẽ đặt ra những lằn ranh đỏ mới đối với Đài Loan trong đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới.

Chuyến đi khiêu khích của bà Pelosi đã cho phép quân đội Trung Quốc diễn tập cho một cuộc chiến trong tương lai, thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẽ ra các lằn ranh đỏ mới cho Đài Loan, đồng thời gây ra những lo lắng bất ổn lâu dài của nền kinh tế Đài Loan.

Ngược lại, phản ứng hiếu chiến của Bắc Kinh khuyến khích phe diều hâu Trung Quốc ở Washington tiếp tục đẩy mạnh Đài Loan mà không có kế hoạch đáp trả đáng tin cậy nào. Vì vậy điều đó sẽ là một sự thất bại lớn nếu một ngày nào đó Trung Quốc thật sự tấn công Đài Loan.