Khinh hạm “Bayern” sẽ đến cảng Nhà Rồng vào ngày 6/1, theo khuôn khổ sứ mệnh nhằm triển khai Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính phủ Đức. Dưới đây là bản tin thế giới ngày 5/1:
Khinh hạm Đức sắp cập cảng TP.Hồ Chí Minh
Khinh hạm “Bayern” sẽ đến cảng Nhà Rồng vào ngày 6/1, theo khuôn khổ sứ mệnh nhằm triển khai Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính phủ Đức và minh chứng quan hệ đối tác chiến lược bền vững giữa Đức và Việt Nam, theo Thanh niên.
Chuyến thăm này là chặng dừng tiếp theo trong hành trình huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài 7 tháng của khinh hạm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đức chính thức đưa ra quan điểm về các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông từ góc độ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc kêu gọi sinh con thứ ba, nói đảng viên làm gương
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc khuyến khích đảng viên sinh con thứ ba để làm gương trong thực hiện chính sách nâng tỷ lệ sinh đẻ do chính phủ đề ra. Tuy nhiên, nhiều đảng viên nước này được cho là không mấy mặn mà với lời kêu gọi này vì lý do tài chính.
Hiện Trung Quốc đang đối mặt tình trạng giảm tỷ lệ sinh liên tục sau nhiều năm áp chính sách một con nghiêm ngặt. Năm 2020, khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh chào đời tại Trung Quốc, giảm 18% so với năm trước đó, và dự kiến tiếp tục giảm vào năm 2021.
Trung Quốc – Nga hợp tác thành lập căn cứ trên Mặt trăng
Theo chuyên gia Honrada, Trung Quốc và Nga có kế hoạch thiết lập cơ sở chung trên Mặt trăng vào năm 2027, được gọi là Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS). Đây, sẽ là một tổ hợp các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm được thiết kế cho nhiều hoạt động khoa học, như thám hiểm, quan sát, các nghiên cứu thực nghiệm và xác minh công nghệ trên Mặt trăng.
Sự đối đầu về chính trị và ý thức hệ giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ có thể là nguyên nhân thúc đẩy cuộc chạy đua thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng nhằm thể hiện ưu thế công nghệ của các bên.
Vụ phóng của Triều Tiên: Nhật Bản họp khẩn, Hàn Quốc kêu gọi nối lại đàm phán
Theo TTXVN, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Hàn Quốc ngày 5/1 bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản trước đó cùng ngày của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Trong khi đó, phản ứng trước động thái bất ngờ của Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp khẩn. Các phương tiện truyền thông nước này cho biết vật thể bay có thể đã rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Vụ phóng là hành động phô diễn lực lượng đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm 2022 và cũng là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ hồi tháng 10 năm ngoái.