Trung Quốc buộc phải suy nghĩ lại toàn bộ nền kinh tế do đối mặt với các vấn đề dài hạn, bốn trụ cột kinh tế lung lay.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, khuyến khích các ngân hàng Trung Quốc cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay nhiều hơn. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng thương mại giảm xuống mức trung bình 8,4% kể từ ngày 15/12/2021, theo The Conversation.

Tại sao Trung Quốc nới lỏng và nó sẽ có ảnh hưởng gì?

Lý do là để nới lỏng các điều kiện tín dụng, do nước này đang đối mặt với tình trạng phá sản trong lĩnh vực bất động sản; tốc độ tăng trưởng GDP quý III đáng thất vọng là 4,9%, giảm so với mức 7,9% trong quý II/2021.

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng dự kiến sẽ giải phóng thêm khoảng 10,5 tỷ USD vào nền kinh tế.

Điều này nhằm thúc đẩy sức cầu ở Trung Quốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của chính phủ là 6% vào năm 2021. Nó có thể đạt được mục tiêu ngắn hạn đó bằng cách kích cầu nếu tín dụng mở rộng và đến đúng nơi.

Bất chấp sự cường điệu của chính phủ rằng, Trung Quốc sẽ phục hồi dù đóng cửa trong đại dịch. Sự thật cho thấy nước này đã phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung lớn với tình trạng thiếu chip điện tử, than, thép và năng lực vận chuyển gây ra tình trạng thiếu điện và ngừng hoạt động.

Đây là những vấn đề ngắn hạn có thể tan biến khi đại dịch dịu đi. Thật không may, cũng có những vấn đề lâu dài mà việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không giải quyết được.

Bốn cột trụ kinh tế của Trung Quốc lung lay

Thực tế, tăng trưởng ở Trung Quốc đã giảm mạnh trước khi đại dịch xảy ra: từ mức đỉnh 15% trong quý II/2007 xuống còn 6% trong quý I/2019.

Chiến lược tăng trưởng của nước này dựa trên bốn trụ cột gồm: cơ sở hạ tầng, xuất khẩu, người tiêu dùng và bất động sản.

Lĩnh vực bất động sản bên bờ sụp đổ

Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 25% -29% GDP của Trung Quốc và nó đang trên bờ sụp đổ. Những tập đoàn lớn như Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản với các khoản nợ khổng lồ.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đem lại kết quả trái chiều

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các dự án quy mô lớn đã phục vụ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm qua. Nhưng sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, khiến Trung Quốc phải tung ra gói kích thích tài khóa trị giá khoảng 34,8 tỷ USD năm 2008. Cung tiền của Trung Quốc tăng gần 30%, dẫn đến giá cổ phiếu tăng gấp đôi và bất động sản bùng nổ.

Đến năm 2009, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế tín dụng trong nỗ lực kiểm soát tình trạng quá nóng này. Một hệ quả là các ngân hàng bắt đầu chuyển hướng tiền vào chi tiêu của chính quyền địa phương cho cơ sở hạ tầng và tài sản.

Điều này có nghĩa là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục, nhưng nó khiến lợi nhuận của nền kinh tế giảm nhanh chóng, vì phần lớn nó là không cần thiết. Hàng chục triệu căn hộ được xây dựng, thậm chí là toàn bộ thành phố ma, dành cho những người lao động chưa từng đến ở. Tăng trưởng đầu tư bất động sản đạt đỉnh vào năm 2013 và tiếp tục tăng – nhưng với tốc độ chậm hơn.

Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không còn đáng tin cậy

Xuất khẩu vẫn thúc đẩy tăng trưởng do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí lao động tăng cao của Trung Quốc đồng nghĩa với biên lợi nhuận thường rất mỏng, tạo ra ít giá trị cho nền kinh tế, đồng thời các nhà sản xuất dễ bị xóa sổ bởi biến động của đồng nhân dân tệ và sự biến động của nhu cầu toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung cho thấy, mô hình tăng trưởng lạc hậu của Bắc Kinh do xuất khẩu dẫn đầu là không đáng tin cậy. Nước này cần phải nâng cao chuỗi giá trị bằng cách tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu với giá trị gia tăng cao hơn.

Tiêu dùng của Trung Quốc vượt xa sản lượng kinh tế

Chính sách “một con” của Trung Quốc và sở thích sinh con trai đã dẫn đến sự suy giảm mức sinh và gia tăng dân số.

Tỷ lệ phụ thuộc (tỷ lệ người không lao động trên dân số đang làm việc) đã tăng trong ít nhất một thập niên và dự kiến sẽ tiếp tục như vậy. Khi dân số lao động giảm và nhu cầu tiêu dùng của những người phụ thuộc trẻ tuổi và đã nghỉ hưu không ngừng tăng lên, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ vượt xa sản lượng kinh tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy

Dưới chiêu bài “thịnh vượng chung”, chính quyền Trung Quốc đang báo hiệu rằng khu vực tư nhân phải được đưa vào quỹ đạo dưới sự kiểm soát của nhà nước. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng đưa ra các hạn chế trong các lĩnh vực như công nghệ, “dạy thêm” và niêm yết trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài.

Hơn nữa, nước này còn gửi thông điệp tới các thị trường vốn toàn cầu rằng Trung Quốc không cần tài chính nước ngoài trừ khi đó là đầu tư có chuyên môn và bí quyết.

Trước động thái trên, các nhà đầu tư nước ngoài đã phản ứng một cách tự nhiên như bán tháo cổ phiếu Trung Quốc và giảm dần tiếp cận với Trung Quốc.

Giải thích về chuỗi sự kiện này, The Conversation cho rằng Bắc Kinh có thể đã thực sự đánh giá thấp phản ứng của các nhà đầu tư toàn cầu, hoặc tất cả điều này là một chiến lược được suy tính cẩn thận nhờ đại dịch mang lại.

Đại dịch và chính sách không COVID của chính phủ Trung Quốc đã tạo cơ hội đưa nền kinh tế chuyển hướng từ chiến lược mở cửa hướng ngoại sang chiến lược hướng nội hơn.