Dự báo dịp Tết Tân Sửu 2021, miền Bắc duy trì thời tiết ấm áp, có mưa nhỏ, mưa phùn; ít khả năng xuất hiện mưa đá, giông, lốc sét như Tết Canh Tý.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Trước Tết Nguyên đán (ngày 2/12 -ngày 21/12 âm lịch), một đợt không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới miền Bắc, nên trước ngày 23 tháng Chạp, miền Bắc trời rét về đêm và sáng.

Đến ngày 5-6/2 (24-25 tháng Chạp), miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng của 1 đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông. Nhưng đến ngày 8/2 trở đi (27 tháng Chạp) không khí lạnh suy yếu; nên khu vực sẽ bước vào giai đoạn nền nhiệt tăng.

Trong đợt Tết Nguyên đán, từ 30 đến mùng 3 Tết, miền Bắc trời nhiều mây về đêm và sáng, vùng đồng bằng có khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn về đêm; ngày nắng, nhiệt độ có xu hướng ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ.

Miền Trung có nhiều mây về đêm và sáng, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày trời nắng; có xu hướng nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ; có thời tiết ổn định không có mưa, trời nắng.

Sau Tết Nguyên đán, đến ngày 16-21/2 sẽ có không khí lạnh yếu, miền Bắc khả năng duy trì ấm, ẩm và có thể có hiện tượng nồm, miền Trung ít mưa, miền Nam trời nắng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến ngày 1/2 (tức 20 tháng Chạp), cơ quan này sẽ phát bản tin chuyên đề Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Tân Sửu, sẽ cung cấp thông tin chi tiết cụ thể hơn trên cả nước.

Báo Zing dẫn lời ông Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết theo thống kê, nhiệt độ trung bình dịp Tết trong 30 năm trở lại đây có xu hướng tăng dần. Kể từ năm 2014 trở về đây, rét đậm, rét hại không còn xảy ra vào những ngày Tết Nguyên đán.

“Tết năm nay, rét đậm nhiều khả năng cũng không xuất hiện. Đây là biểu hiện của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên và các quy luật về khí hậu không còn nữa”, ông Lâm chia sẻ.

Từ Khóa: