Trung Quốc sử dụng các cuộc đàm phán biên giới nhằm mục đích “câu giờ”, làm suy yếu đối phương, từ đó đạt được ý đồ của mình, theo nhận định của các nhà phân tích. Sự việc này đang diễn ra trong các cuộc đàm phán giữa Bhutan và Trung Quốc.
Các bộ trưởng ngoại giao của Bhutan và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán biên giới giữa hai nước vào ngày 14/10.
Theo The Epoch Times, các nhà phân tích cho rằng Bhutan nên thận trọng; vì bất kỳ thỏa thuận nào mà Trung Quốc đưa ra cũng chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tiếp tục thực hiện chiến thuật “gặm nhấm” lãnh thổ tranh chấp.
Giới quan sát cho rằng thông qua các cuộc đàm phán với Bhutan, khả năng Trung Quốc đang cố gắng tạo ra gián cách giữa Ấn Độ và Bhutan, hai nước đồng minh và đối tác quốc phòng truyền thống. Đây cũng là hai quốc gia duy nhất mà Trung Quốc chưa ký kết được bất kỳ hiệp định biên giới lãnh thổ nào.
Bhutan và Trung Quốc có chung đường biên giới dài khoảng 400km. Các cuộc đàm phán về ranh giới bắt đầu vào năm 1984 và được dẫn dắt bởi các Nguyên tắc Hướng dẫn năm 1988 và Thỏa thuận năm 1998 về Duy trì Hòa bình, Yên ổn và Nguyên trạng ở Khu vực Biên giới Bhutan-Trung Quốc.
Kể từ đó, hai nước đã có 24 vòng đàm phán về biên giới và 10 vòng họp ở cấp nhóm chuyên gia. Mặc dù vậy, cuộc đối đầu quân sự tại Doklam kéo dài 73 ngày đã xảy ra giữa Trung Quốc, Bhutan và Ấn Độ tại ngã ba chiến lược ở phía tây của Bhutan vào năm 2017.
Thủ đoạn trong các cuộc đàm phán biên giới của Trung Quốc
Tiến sĩ Satoru Nagao, một thành viên tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington DC nói với The Epoch Times rằng Bhutan phải “nhận ra Trung Quốc không đáng tin cậy”. Ông Nagao nói, nếu hai bên đạt được một thỏa thuận thuyết phục nào đó; thì rất có thể nó sẽ chỉ nằm trên giấy.
“Trung Quốc đang mở rộng lãnh thổ của họ, dù có tranh chấp lãnh thổ hay không. Thỏa thuận nào thì cũng sẽ chỉ nằm trên giấy như mong muốn của Trung Quốc”, ông Nagao, một chuyên gia về các vấn đề quân sự trên dãy Himalaya, cho biết.
Ông Frank Lehberger, một thành viên cấp cao của Tổ chức nghiên cứu Usanas Foundation có trụ sở tại Ấn Độ nói với The Epoch Times trong một email rằng ĐCSTQ sử dụng các cuộc đàm phán và thỏa thuận như vậy như một chiến thuật để câu thêm thời gian, đồng thời gây nhầm lẫn và làm suy yếu các nước láng giềng.
Nhà nghiên cứu Lehberger cho biết: “Về việc ‘đàm phán’ với Trung Quốc nói chung: ĐCSTQ sẽ luôn lợi dụng thủ đoạn thương lượng lâu đời của chủ nghĩa Mao về bất cứ điều gì, nhưng không phải để đạt được một thỏa hiệp nào đó, mà là để câu thêm thời gian, gây nhầm lẫn, làm suy yếu, ảnh hưởng (về mặt tâm lý) và thao túng các đối tác đàm phán là Bhutan và cả Ấn Độ”.
Các cuộc đàm phán này không vì lợi ích của Bhutan và kết quả sẽ trái ngược với những gì Bhutan mong đợi, theo ông Lehberger.
Nhà nghiên cứu cho biết: “Bằng cách đồng ý với các cuộc đàm phán nhanh chóng do Trung Quốc đề xuất và hy vọng rằng mọi thứ sẽ được giải quyết ‘một lần và mãi mãi’, Bhutan đã vô tình mời Trung Quốc can thiệp nhiều hơn vào công việc nội bộ của mình và đã báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ là quốc gia có ý chí yếu ớt”.
“Kết quả là Trung Quốc sẽ đánh cắp nhiều khu vực biên giới hơn trong tương lai và sử dụng lại các thủ đoạn đàm phán tương tự.”