Trung Quốc đã âm thâm rút lại một biện pháp trả đũa Úc sau khi hứng chịu tình cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh ngừng nhập khẩu than của Australia như một biện pháp trả đũa việc Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19. Nhưng lệnh cấm của Trung Quốc đã góp phần dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng trên khắp Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc đã lặng lẽ cho phép nhập khẩu than của Australia. Dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc đã thông quan cho mặt hàng than Úc lần đầu tiên sau gần một năm.

Truyền thông Úc ngày 24/11 đưa tin, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã nhập khẩu 778.000 tấn than cốc của Australia và 2,01 triệu tấn than bitum khác trong tháng 10.

Theo Bloomberg News, số than này có thể đã bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc mà không được thông quan. Báo chí nước ngoài cho rằng, Trung Quốc nhập khẩu than Úc mục đích là để bù đắp nguồn cung than trong nước đang thiếu hụt.

Hầu hết than Úc được thông quan là than hơi để sưởi ấm, và 778.000 tấn than cốc được sử dụng cho các nhà máy thép.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành “Lệnh cấm sử dụng than của Úc” trong gần một năm. Theo Secret China, động thái thông quan lặng lẽ cho thấy ĐCSTQ đã buộc phải cúi đầu, gỡ bỏ lệnh trừng phạt của chính mình.

Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, lần nhập khẩu than gần đây nhất của Australia là vào tháng 11/2020. Cơ quan phân tích của Mỹ Wood Mackenzie ước tính trong tháng trước rằng có khoảng 5 triệu tấn than cốc của Australia và 3 triệu tấn than nhiệt tại các cảng của Trung Quốc đang chờ thông quan.

Liệu lệnh cấm than của Úc có được dỡ bỏ hay không?

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu Thống kê Thương mại Hàng hóa của Liên hợp quốc, trước khi lệnh cấm được áp dụng vào năm ngoái, các mỏ than của Australia chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Năm 2020, lượng than xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc sẽ vào khoảng 35 triệu tấn đến 40 triệu tấn.

Tuy nhiên, sau khi mối quan hệ Trung-Úc bị rạn nứt, Hải quan Trung Quốc bắt đầu chặn nhập khẩu than của Úc vào tháng 10 vì nhiều lý do khác nhau, khiến xuất khẩu than của Úc sang Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 11 năm ngoái. Trung Quốc đã quay sang Indonesia, Nga và các quốc gia khác để mua than nhằm bù đắp khoảng thiếu hụt năng lượng.

Liệu Trung Quốc có nới lỏng lệnh cấm đối với Australia để giải quyết tình trạng “khẩn cấp than đốt”? Nhà phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia trước đó đã nói với truyền thông Mỹ CNBC rằng ông không mong đợi chính quyền Trung Quốc sẽ nới lỏng lệnh cấm than của Australia trong mùa đông này.

Ông cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp thương mại giữa Trung-Úc là vấn đề chính trị và ý thức hệ. Khi Trung Quốc có thể tìm được giải pháp thay thế cho than của Australia, nước này có thể tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại vô lý đối với Australia.

Vào tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Australia đã kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán. Điều đó gây ra sự bất mãn đối với chính quyền Trung Quốc. Trong hàng loạt cuộc chiến thương mại Trung-Úc sau đó, than đá, tôm hùm và rượu vang đỏ của Úc đều trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại.

Trong thương chiến Trung-Úc, Trung Quốc chủ động áp đặt lệnh trừng phạt vô lý lên mặt hàng của Úc. Nhưng trái lại, chính Trung Quốc đã trở thành quốc gia bị tác động tiêu cực nặng nề do ngừng nhập than Úc. Việc Trung Quốc buộc phải mở cửa nhập khẩu lại than của Úc để đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong nước cho thấy, Bắc Kinh đã phải cúi đầu trong thương chiến này.