TP.HCM hiện có tỉ lệ tử vong vì Covid cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo Nikkei Asia. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tính chuyện rời khỏi Việt Nam do tình trạng phong tỏa kéo dài.

Nghe audio bài: “Tỉ lệ tử vong vì Covid ở TP.HCM cao nhất Đông Nam Á; nhiều DNNN tính chuyện ra đi”

Báo Nikkei Asia của Nhật Bản sáng nay (ngày 11/9) có bài cho biết: “TP.HCM, trung tâm thương mại phía Nam của Việt Nam, có tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 4,95%; cao hơn mức trung bình của cả nước và các thành phố khác ở Đông Nam Á”.

TP.HCM đang thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa kể từ ngày 31/5 đến nay. Khả năng các biện pháp này sẽ còn kéo dài vượt quá thời hạn ban đầu là 15/9, theo Nikkei.

Tỉ lệ tử vong vì Covid ở TP.HCM cao nhất trong khu vực

Bài báo của Nikkei viết: “Tỷ lệ tử vong của thành phố vượt trội trong khu vực. Tỷ lệ tử vong ngắn hạn ở nước láng giềng Campuchia là 2,38%; trong khi Thái Lan là 1,34% mặc dù vương quốc này đang chống chọi với đợt bùng phát virus tồi tệ nhất từ trước đến nay, với khoảng 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, theo Our World in Data”.

Tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở TP.HCM (màu xanh nhạt) cao hơn mức trung bình của cả nước (ảnh chụp màn hình Nikkei).
Tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở TP.HCM (màu xanh nhạt) cao hơn mức trung bình của cả nước (ảnh chụp màn hình Nikkei).

“Tính đến thứ Sáu (10/9), TP.HCM đã báo cáo cộng dồn có 11.472 ca tử vong do Covid-19 trên tổng số 14.745 ca tử vong trên toàn quốc”. Như vậy, số ca tử vong tại TP.HCM chiếm khoảng 78% tổng số nạn nhân qua đời vì Covid trên cả nước kể từ cuối tháng 4.

TP.HCM đã tiêm chủng đầy đủ cho 8,6% người dân tính đến thứ Hai (6/9), theo số liệu của Bộ Y tế. Con số này cao hơn con số trung bình cả nước là 3,5%. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong của TP.HCM vẫn cao hơn các tỉnh thành khác của Việt Nam.

Tỷ lệ tử vong gia tăng đã khiến chính quyền phải triển khai lực lượng, bao gồm cả quân đội, tại TP.HCM kể từ ngày 23/8 nhằm thực thi các hạn chế nghiêm ngặt về Covid. 9 triệu cư dân của thành phố được yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó” cho đến ít nhất là ngày 15/9.

“Tuy nhiên, tình hình tại TP.HCM không mấy có dấu hiệu cải thiện”, theo Nikkei.

Tính đến hôm 10/9, TP.HCM báo cáo có 7.539 ca nhiễm mới, trong tổng số 13.306 trường hợp trên toàn quốc.

Nikkei trích dẫn “Báo cáo tình hình COVID-19 tại Việt Nam” do Tổ chức Y tế Thế giới phát hành hôm 5/9; trong đó cho biết: “TP.HCM vẫn là tâm chấn [của đợt bùng phát], với số ca mắc tích lũy [tại thành phố] chiếm khoảng 48,3% tổng số ca toàn quốc. Số ca mắc trung bình hàng ngày tăng 21,3% so với tuần trước, với trung bình 5.746 trường hợp được báo cáo mỗi ngày trong tuần”.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Chủng Delta đang chiếm chủ yếu trong các đợt bùng phát gần đây”. Biến chủng này đang gây ra đại dịch hoành hành ở TP.HCM hiện nay.

Bình luận về tỉ lệ tử vong tại TP.HCM, ông Tuan V. Nguyen, thành viên của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Australia, nói với Nikkei Asia: “Chỉ có 5% các quốc gia và khu vực trên thế giới có tỷ lệ tử vong cao như vậy”.

Khi nào TP.HCM mới hết phong tỏa?

Các nhà chức trách Việt Nam sẽ sớm quyết định xem liệu có nới lỏng các hạn chế sau ngày 15/9 hay không.

Ông Đặng Tâm Chánh, một nhà phân tích chính trị tại TP.HCM, nói với Nikkei rằng khả năng thành phố sẽ âm thầm nới lỏng các quy định, từng bước một. Ông nói: “Mọi người đang phải chịu đựng tình cảnh suy giảm về mức sống của họ; trong khi những lo lắng về Covid-19 vẫn còn”.

Theo Nikkei, ông Dương Quốc Chính, một chuyên gia phân tích tại Hà Nội, cho rằng TP.HCM có thể dỡ bỏ một phần các hạn chế ở một số quận có ít ca lây nhiễm hơn. Cũng có thể thành phố sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, vốn đã được áp dụng kể từ ngày 26/7.

Nhưng ông Chính cho rằng cũng có thể tình trạng phong tỏa sẽ kéo dài ít nhất hai tuần sau ngày 15/9. Ông nói: “Cần có thời gian để [TP.HCM] tiêm liều vắc xin đầu tiên cho hơn 80% người dân, bao gồm cả những người trên 18 tuổi.”

Ông Chính cảnh báo, các biện pháp phong tỏa kéo dài có thể tạo ra bất ổn xã hội. Ông nói: “Tầng lớp lao động ở TP.HCM không có thói quen tiết kiệm tiền. Nhiều người trong số họ không có thu nhập hàng ngày thì chỉ sống được 1 tuần”. Khi không chịu được, người nghèo có thể xuống đường.

Các doanh nghiệp nước ngoài tính chuyện rời khỏi Việt Nam

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang bị gián đoạn, kể cả các nhà sản xuất nước ngoài đang hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đại diện các công ty Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về khả năng duy trì hoạt động của họ tại Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 4/9 tại Hà Nội.

Theo Nikkei, đối tác châu Âu của nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo lắng tương tự. Hôm thứ Năm (ngày 9/9), các thành viên của EuroCham Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp với chính phủ Việt Nam. Chủ tịch EuroCham Alain Cany nói với giới chức Việt Nam: “Các thành viên của chúng tôi bị ảnh hưởng cực kỳ từ các biện pháp [phòng chống Covid-19] hiện tại … đặc biệt là tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt ở miền nam của Việt Nam.”

Ông Cany đã chỉ ra các động thái di chuyển hoạt động của một số công ty ở Việt Nam sang nơi khác. Ông cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy cho đến nay, gần 1/5 số công ty đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài, với 16% công ty khác sẽ xem xét làm như vậy trong tương lai.”

Các đại diện của EuroCham dự cuộc họp báo sau buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh chụp màn hình Báo Quốc Tế).
Các đại diện của EuroCham dự cuộc họp báo sau buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh chụp màn hình Báo Quốc Tế).

Một cuộc khảo sát của Đức mới đây cho biết đa số các công ty của nước này có ý định rời khỏi Việt Nam do tình trạng phong tỏa kéo dài.

Ông Chính cho biết: “Nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh đã bỏ việc và rời khỏi TP.HCM. Các công ty sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động”.

TP.HCM chiếm 22,3% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến năm 2019.

Từ Khóa: