Đua theo xăng, hàng hoá dồn dập tăng giá; 4,7 triệu người Đông Nam Á nghèo cùng cực do Covid-19; Lư hương Đức thánh Trần về lại vị trí cũ sau hơn 1.000 ngày…
- Cựu công an chuyên đánh tráo sổ đỏ, bán trộm đất
- Vụ cô gái trẻ tử vong sau nâng mũi: Cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép
- Hàng ngàn trường mầm non giải tán, giáo viên bỏ nghề
Gần 42.000 người tử vong vì Covid-19
Bộ Y tế tối 18/3 công bố 197.467 ca nhiễm, gồm hơn 163.000 ca tại 62 tỉnh, thành và Bắc Giang bổ sung hơn 34.000 ca.
Số ca nhiễm mới trung bình ghi nhận 7 ngày qua là 170.600 ca/ngày, tăng 38% so trung bình 7 ngày trước đó.
Qua thống kê trong đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm cả nước hơn 7,3 triệu người trong đó 41.740 trường hợp tử vong. Năm tỉnh thành ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao: Hà Nội 940.034, TP. HCM 579.844, Bình Dương 356.643, Bắc Ninh 253.879, Nghệ An 325.416 ca.
4,7 triệu người Đông Nam Á nghèo cùng cực do Covid-19
Ngày 16/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thông báo, đại dịch Covid-19 đã đẩy 4,7 triệu người ở khu vực Đông Nam Á vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2021 và 9,3 triệu người bị mất việc làm.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khu vực Đông Nam Á sẽ là 5,1%, song con số này có thể giảm xuống còn 4,3% nếu biến thể Omicron lây lan rộng hơn và gây ra các cú sốc cung – cầu. Tuy nhiên, dự báo trên vẫn chưa xét đến các tác động kinh tế từ khủng hoảng Nga-Ukraine.
Tại Việt Nam, trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp đã khiến cho hàng triệu người mất việc. Số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm 2020. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm trước.
Hàng hoá dồn dập tăng giá, người tiêu dùng lao đao
9 ngày sau khi giá xăng lập đỉnh, các mặt hàng thiết yếu cũng rục rịch tăng giá để bù vào giá nguyên liệu cũng như cước vận chuyển do tác động của giá xăng dầu.
Tại Hà Nội, giá các mặt hàng thiết yếu của một số siêu thị và cửa hàng tạp hóa tăng “nhẹ” so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. Tăng nhiều nhất là dầu ăn và sữa, các loại bánh mì, sữa chua, mì tôm cũng tăng nhẹ từ 500- 1000 đồng/ gói, hộp.
Cụ thể trước đây giá của loại dầu ăn rẻ nhất là 40.000 và cao nhất là 55.000/lít. Tuy nhiên, bây giờ giá dầu ăn đã tăng thêm gần 10.000/lít, loại rẻ nhất là 47.000/lít, cao nhất là 68.000/lít. Sữa tươi cũng tăng từ 10.000-20.000 thậm chí có loại lên 30.000/thùng tùy loại. Giá gas cũng tăng lên 500.000/bình.
Cùng với thực phẩm, xăng, gas tăng vọt, theo các doanh nghiệp sản xuất, giá nguyên liệu ngành dệt may, thép, gỗ… cũng đang đi lên “chóng mặt”. Đặc biệt, giá thép và gỗ những ngày qua liên tục tạo đỉnh mới.
Ngày 10/3, các doanh nghiệp tăng giá thép xây dựng thêm 250-810 đồng một kg so với 4 ngày trước đó. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép đã tăng 4 lần liên tiếp, riêng loại thép xây dựng đã vượt mốc 18.000 đồng một kg.
Trước cơn bão giá nhiều người lao động cả nước gặp vô vàn khó khăn để duy trì cuộc sống. Hiện các chuyên gia dự báo, giá hàng hóa sẽ tiếp tục gia tăng và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, chứ không riêng Việt Nam.
Vụ lừa xuất khẩu điều sang Ý: Đã giữ lại được 16 container tại cảng
Thông tin mới nhất từ Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý, sau 3 lần can thiệp kịp thời, đến nay đã giữ được 16 container (cont) hạt điều tại Ý.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các hãng tàu để tiếp tục hỗ trợ giữ và thu hồi các cont hạt điều còn lại.
Trước đó, ngày 8/3, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ý nhận được công văn của Vinacas về việc các công ty xuất khẩu Việt Nam đã xuất đi 100 cont nhân hạt điều giá trị gần 1.000 tỷ đồng cho nhóm công ty Ý có dấu hiệu lừa đảo.
Tính đến ngày 9/3, các doanh nghiệp Việt Nam đã mất quyền kiểm soát 36 cont điều trong số 100 cont xuất sang Ý, giá trị mỗi cont khoảng 200.000 USD, tổng cộng ước tính khoảng 162 tỷ đồng. Giới chức trách nhận định đây được cho là vụ lừa đảo lịch sử trong ngành xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Lư hương Đức thánh Trần về lại vị trí cũ sau hơn 1.000 ngày
Rạng sáng 17/3, sau hơn 1.000 ngày di dời đến đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (đường Võ Thị Sáu, quận 1, TP.HCM), chiếc lư hương trở về vị trí cũ dưới chân tượng đài của Ngài ở công viên Mê Linh.
Trước thông tin này hầu hết người dân thành phố đều vui mừng, xúc động, bởi công trình là một phần ký ức của người dân và mang nhiều giá trị.
Trước đó, tháng 2/2019, không ít người dân TP. HCM cùng du khách bất ngờ khi khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo tại vòng xoay Công trường Mê Linh, quận 1, bỗng trở thành công trường. Lư hương để người dân thắp nhang tưởng nhớ công lao Đức thánh Trần dưới chân tượng đài không còn ở vị trí cũ. Việc này gặp phản ứng của nhiều người dân vì cho rằng đã lấy đi chỗ thờ phụng Đức Thánh Trần của người Sài Gòn trong nhiều năm qua.