Site icon MUC News

Tin nổi bật trong tuần: Việt Nam gần 2,7 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 39.400 ca tử vong; Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế bị bắt

tổng hợp tuần

Ảnh từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại viện; 5.000 công nhân công ty Vienergy ở Ninh Bình đình công, yêu cầu tăng lương; Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế bị bắt; Còn 2.272 xe hàng hóa, nông sản kẹt tại cửa khẩu Lạng Sơn (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí/ Pháp Luật TP. HCM).

Gần 2,7 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 39.400 ca tử vong; Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế bị bắt; Những ‘điểm yếu’ gây tắc nghẽn nông sản khi xuất sang Trung Quốc là tin tức nổi bật tuần qua trên MUC News.

Covid-19: Cả nước gần 2,7 triệu người nhiễm, hơn 39.400 ca tử vong

Ngày 19/2 của Bộ Y tế cho biết, có 41.980 ca mắc mới Covid-19 tại 61 tỉnh, thành. Các tỉnh thành tại miền Bắc tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng cao điển hình là Hà Nội (4.869), Bắc Ninh (2.002), Quảng Ninh (1.990), Hòa Bình (1.871), Thái Nguyên (1.852), Nam Định (1.798), Phú Thọ (1.567), Hải Phòng (1.555).

Như vậy, kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 2.704.927 ca nhiễm, 2.268.020 người khỏi bệnh, 397.537 bệnh nhân đang điều trị và 39.426 ca tử vong.

Giá test nhanh tối đa 78.000 đồng

Giá xét nghiệm mới được Bộ Y tế quy định trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm Covid-19, ban hành ngày 18/2.

Cụ thể, với test nhanh, mức thanh toán không quá 78.000 đồng một xét nghiệm, tức là giá mới giảm khoảng 30% so với hiện hành.

Với xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, giá thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng một xét nghiệm mẫu đơn.

Nếu xét nghiệm mẫu gộp, mức thanh toán tối đa không vượt quá giá xét nghiệm gộp mẫu. Ví dụ gộp mẫu 5 thì thanh toán tối đa không quá 136.600 đồng, gộp mẫu hai là 223.300 đồng. Như vậy, xét nghiệm mẫu gộp 5 giảm 28.000 đồng, mẫu gộp hai giảm 36.800 đồng so với hiện hành.

Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế bị bắt

Ngày 19/2, công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế cùng thuộc cấp là Hà Thúc Nhật, Kế toán trưởng, kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán, để điều tra tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Cảnh sát xác định, ông Đức và Nhật đã có nhiều sai phạm liên quan việc mua sắm trang thiết bị, vật tư hóa chất, quần áo bảo hộ để phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó có kit test Covid-19. 

Trước đó khi báo Người Lao Động hỏi ông Đức có cầm tiền hoa hồng của Công ty Việt Á hay không, thì ông này khẳng định: “Riêng tôi thì còn phải tốn tiền hơn nữa ấy vì nhiều khi nhân viên họ hay xin thuốc tôi hút. Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”.

2.272 xe hàng hóa, nông sản tồn ứ tại 3 cửa khẩu biên giới

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, sáng ngày 16/2/2022, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 2.272 xe; trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 1.828 xe, chiếm khoảng 80% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề hàng hoá ùn ứ tại cửa khẩu, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, khi trả lời RFA hôm 16/2 cho rằng những điểm yếu mà Bộ Công thương nêu ra đã được cảnh báo từ lâu, nhưng không được giải quyết:

“Cái này đã biết từ rất lâu rồi, đối với nông sản thì vấn đề chất lượng là quan trọng, ai có sản phẩm tốt chất lượng thì bán đâu cũng được. Cái thứ hai là lâu nay đó là thị trường dễ tính, nhưng bây giờ Trung Quốc thay đổi, kiểm soát hết sức chặt chẽ… nên dẫn tới tắt nghẽn như vậy… 

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Trong khi đó ông  Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:

“Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chỉ khoảng 3%. Trong khi xuất khẩu tiểu ngạch không theo hợp đồng, kém chất lượng chiếm tỷ lệ rất lớn, phần lớn là nông sản, rau quả, thủy sản… sản xuất nhỏ lẻ và phụ thuộc vào bốn năm thương lái chủ yếu của Trung Quốc. Đó là lý do dẫn đến khi Trung Quốc họ nghỉ việc, hoặc có lý do gì đó họ ngừng… thì phía Việt Nam phải chờ, gây khó khăn và tăng chi phí cho phía VN.”

Gần 30 cuộc đình công, ngừng việc tập thể do lương, thưởng Tết

Ngày 16/2, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trước và sau dịp Tết Nhâm Dần, tình trạng công nhân lao động tạm ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm, xảy ra tại nhiều địa phương như Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh và Nghệ An…

Tính hết ngày 12/2, thống kê cho thấy có 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể đã xảy ra tại 12 địa phương trên cả nước.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Nguyên nhân ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại các địa phương chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp, trả thưởng thấp hơn so với năm trước…