Sau khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc, giới truyền thông tiết lộ các thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có mối quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh và dường như cố ý nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các chuyên gia cáo buộc Uỷ ban Olympic Quốc tế tham nhũng; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Truyền thông tiết lộ vai trò hậu trường của các thành viên IOC nhằm bảo vệ Trung Quốc

Ngày 4/2, Daily Beast đã công bố một cuộc điều tra cho thấy công ty của Phó Chủ tịch IOC, ông John Coates có quan hệ kinh doanh sâu sắc với Trung Quốc, bao gồm cả ở Tân Cương, nơi xảy ra nạn diệt chủng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Hồ sơ IOC chính thức của ông Coates không đề cập rằng kể từ năm 2007, ông là chủ tịch của William Inglis & Son Ltd., một nhà đấu giá ngựa thuần chủng của Úc. Theo điều tra của Daily Beast, Trung Quốc lại là thị trường quan trọng của William Inglis & Son Ltd trong 10 năm qua.

Báo cáo cho biết, trong khi Phó Chủ tịch IOC John Coates nói rằng “IOC thực sự rất chú trọng đến nhân quyền”; tuy nhiên việc gây sức ép với Bắc Kinh về Tân Cương không nằm trong “tầm ngắm” của IOC.

Ông Coates, người kiêm chức Chủ tịch Ủy ban Olympic Australia, nói: “Chúng ta phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia đăng cai Thế vận hội”.

Tuy nhiên, ông Coates có đặt nhân quyền lên trên các vấn đề kinh doanh của riêng mình hay không lại là một câu hỏi khác.

Điều đáng chú ý trong báo cáo của Daily Beast là ông Coates không phải là người duy nhất trong số 101 thành viên IOC có quan hệ “thân thiết” với Bắc Kinh và phớt lờ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Những thành viên khác của IOC liên quan mật thiết với Bắc Kinh

Thành viên IOC người Canada, Dick Pound, từng khẳng định: “Thế vận hội Olympic quốc tế không có gì để nói về những thay đổi chính trị … và vấn đề nhân quyền là vấn đề chính trị’’. Ông Pound ngây thơ cho rằng ĐCSTQ có thể sẽ tổ chức một “cuộc điều tra độc lập” về các vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ.

Theo báo cáo, ông Pound làm cố vấn cho công ty luật Stikeman Elliott LLP của Canada. Công ty lại có bề dày kinh nghiệm tại Trung Quốc. Trang web của công ty cũng tuyên bố “cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nổi tiếng” như: Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn CITIC, Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc, v.v.

The Daily Beast đã lấy được cuốn sách của ông Pound, xuất bản năm 2013. Cuốn sách nói rằng công ty luật này đã mở rộng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Ông Pound viết: “Công ty luôn quan tâm đến Trung Quốc từ những năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu hướng ra bên ngoài. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Harold Balloch, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, vào năm 2005 và 2006.”

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng tới giới luật sư phương Tây. Trung Quốc áp lệnh trừng phạt toàn bộ đoàn luật sư Anh sau khi bốn thành viên của họ đưa ra quan điểm pháp lý về các sự kiện ở Tân Cương. Họ cáo buộc hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ có thể cấu thành tội ác diệt chủng. Các biện pháp trừng phạt đã khiến một số luật sư rời bỏ chi nhánh chính ở London, cùng với sáu luật sư khác từ chi nhánh Singapore. Và ông Pound nói rằng ông không biết gì về việc Trung Quốc trả đũa các luật sư lên tiếng chống lại hồ sơ nhân quyền của nước này.

Mối quan hệ kinh doanh rõ ràng của các thành viên IOC với Trung Quốc không dừng lại ở đó. Tháng 11 năm ngoái, thành viên người Anh Sebastian Coe mô tả xu hướng tẩy chay ngoại giao ngày càng tăng đối với Thế vận hội là “một cử chỉ vô nghĩa và một cử chỉ gây tổn hại”.

The Daily Beast trích dẫn từ Tạp chí Private Eye rằng Sebastian Coe kiếm được hơn 130.000 đô la mỗi năm với tư cách là giám đốc không điều hành của Fortescue Metals Group. Đây là một công ty của Úc nhưng lại nhận được 90% doanh thu từ Trung Quốc vào năm 2020.

Không chỉ vậy, một công ty quốc doanh của Trung Quốc đang sở hữu một lượng lớn cổ phần trong công ty này.

Người phát ngôn của Fortescue xác nhận rằng công ty đã có mối quan hệ sâu sắc với thị trường Trung Quốc.

Vào cuối năm ngoái, The New York Times bình luận rằng IOC và ĐCSTQ là “bạn cũ” cộng sinh và cùng có lợi. IOC đã giúp ĐCSTQ giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ cung cấp cho IOC cơ hội tiếp cận 1,4 tỷ người hâm mộ thể thao tiềm năng và còn có rất nhiều tiền.

Chuyên gia: Việc Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội là do Ủy ban Olympic quốc tế tham nhũng

Ngày 7/2 tờ Epochtimes đã đăng tải ý kiến của ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia). Ông nói rằng Bắc Kinh có thể đăng cai Thế vận hội là do Ủy ban Olympic Quốc tế cực kỳ tham nhũng.

Ông cho biết vào thời điểm đó, Ủy ban Olympic quốc tế đã cho Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Olympic 2008 với điều kiện Bắc Kinh cam kết mở cửa truyền thông và cải thiện nhân quyền. Nhưng kể từ năm 2008, toàn bộ tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên xấu đi.

Ông chỉ trích các thành viên IOC đã giúp ĐCSTQ sử dụng Thế vận hội như một công cụ chính trị và tuyên truyền. Hành động của các thành viên IOC đã giúp Trung Quốc đạt mục đích tôn vinh những tội ác chống lại loài người và những vi phạm nhân quyền có hệ thống. Các thành viên IOC đã vì lợi ích thương mại và thậm chí là cá nhân mà bao che cho tội ác của ĐCSTQ.

Ông nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của IOC cũng khiến các vận động viên tham gia bối rối. “Họ phải đưa ra lựa chọn đau đớn giữa sự nghiệp thể thao với các nguyên tắc đạo đức và nhân quyền của họ”, ông Phùng cho biết.

Về vấn đề này, ông Đổng Tư Tề (Dong Siqi), phó giám đốc điều hành của một tổ chức tư vấn Đài Loan, nói rằng: Chính quyền ĐCSTQ rất giỏi trong việc sử dụng đòn bẩy lợi ích. Nếu đối phương hợp tác với Bắc Kinh thì họ có thể thu được những lợi ích thương mại khổng lồ về kinh tế. Do đó, nhiều người từ các quốc gia khác đều nói những lời tốt đẹp dành cho ĐCSTQ.

Ông Đổng tin rằng, không chỉ Ủy ban Olympic quốc tế mà ở nhiều tổ chức quốc tế khác, Trung Quốc cũng sử dụng nhiều ảnh hưởng và lợi ích thương mại để họ có thể nói những điều tốt đẹp cho mình. Chính vì điều này mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn đương nhiệm đã đưa Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Theo ông Đổng, “các tổ chức đứng sau nó thực sự không hoàn toàn là vấn đề thể thao, mà là các vấn đề chính trị và kinh tế nhiều hơn, cũng như trao đổi lợi ích’’. Ông Đổng cho rằng cần mở rộng điều tra về những người có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc và cần loại bỏ những người này ra khỏi các vị trí chủ chốt.

Về ý kiến này, ông Phùng Sùng Nghĩa cũng kêu gọi cơ quan chống tham nhũng quốc tế điều tra Ủy ban Olympic và các thành viên có liên quan.

Từ Khóa: