Việt Nam vượt đỉnh hơn 10.000 ca/ngày; Mỗi ngày khoảng 85 xe chở gần 400 áo quan đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa; Con gọi 6 cuộc cầu cứu y tế vì cha bị đột quỵ nhưng đều bị từ chối, cuối cùng đã quá muộn; Y tế tuyến đầu: 3 nhân viên tử vong, hơn 2.380 người nhiễm Covid-19…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 20/8/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Việt Nam lập đỉnh hơn 10.000 ca/ngày, 380 ca tử vong

Hôm qua là ngày đầu tiên Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Cụ thể tối ngày 19/8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 10.654 ca, TP HCM vẫn nhiều nhất với 4.425 ca; Bình Dương thứ 2 với 3.255 ca. Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. TP. HCM tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca.

Cũng trong hôm qua,Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 380 ca tử vong. Cụ thể, TP.HCM (307), Bình Dương (45), Long An (17), Cần Thơ (3), Bến Tre (2), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Vĩnh Long (2).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 19/8 là 7.150 ca.

Mỗi ngày khoảng 85 xe chở 395 áo quan chờ thiêu đến Bình Hưng Hòa

Theo VOH radio (thuộc UBND TP. HCM), ngày 16/8, các nhân viên trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa đã được lãnh đạo Tp. HCM đến thăm hỏi, tặng quà.

Hiện hơn 70 công nhân tại đây đang làm việc suốt ngày đêm. Thời gian này, trung tâm Bình Hưng Hòa chỉ tiếp nhận hỏa táng các bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở tại các bệnh viện, khu cách ly trong cộng đồng dân cư.

Trung tá Nguyễn Xuân Truyền – Phó chỉ huy trưởng BCH quân sự Q.Bình Tân, đơn vị đang được giao nhiệm vụ điều phối giao thông ra vào khu vực này cho biết: bình quân mỗi ngày có khoảng 85 xe chở 395 áo quan chờ thiêu đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Áp lực tại khu vực hiện rất lớn.

Mỗi ngày khoảng 85 xe chở 395 áo quan chờ thiêu đến Bình Hưng Hòa
Nhân viên nhà hoả táng Bình Hưng Hoà thực hiện công tác chuyển giao các phần tro cốt bệnh nhân mất vì Covid-19 (ảnh: VOH Online).

Con gọi 6 cuộc cầu cứu y tế vì cha bị đột quỵ nhưng đều bị từ chối, cuối cùng đã quá muộn

Theo Tuổi trẻ, sự việc xảy ra vào sáng 19-8, một người đàn ông tên H (61 tuổi, sống tại Gò Vấp, TP.HCM) có biểu hiện khó thở rồi ngã quỵ. Con ông H đã gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 để nhờ hỗ trợ, qua điện thoại, anh được chỉ dẫn gọi đến đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp. Sau đó y tế quận Gò Vấp hướng dẫn anh gọi đến Trạm y tế phường 16 (quận Gò Vấp) nhưng y tế phường báo chỉ cấp cứu các ca COVID-19 chứ không cấp cứu đột quỵ.

Sau khi gọi tới nhiều cơ quan y tế nhưng không không thấy được chấp nhận, anh tiếp tục gọi lại Trung tâm cấp cứu 115 thì được thông báo sẽ tiếp nhận. Tuy nhiên Sau gần 20 phút, Trung tâm cấp cứu 115 gọi lại hỏi tình hình rồi hướng dẫn người nhà tìm cách đưa ông H. đi bệnh viện chứ không tiếp cận cấp cứu. Đến 7h30, người nhà đưa ông H đến Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định ông H đã ngưng tim trước khi vào viện. Đại diện phường 16, quận Gò Vấp cho biết đang yêu cầu Trạm y tế phường 16 và các đơn vị liên quan giải trình vụ việc trên.

Y tế tuyến đầu: 3 nhân viên tử vong, hơn 2.380 người nhiễm Covid-19

Theo báo Thanh Niên, sáng 19/8 tại buổi tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ Bluse trắng trên tuyến đầu”,  Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Suốt 3 tháng nay, lực lượng y tế đã phải làm việc với cường độ cao, áp lực lớn để phòng ngừa và điều trị dịch Covid-19. Cả nước đã có hơn 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19, và đã có 3 nhân viên y tế tử vong trong vùng dịch. Đội ngũ y tế phải làm việc ít nhất 8 tiếng mỗi ngày trong bộ đồ bảo hộ, trong các điều kiện thời tiết, nhiều ca còn việc đến tận 12 giờ đêm.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng nhận định: khó khăn hiện giờ là sự thiếu hụt bác sĩ hồi sức cấp cứu. Số lượng bệnh nhân nặng nhiều, trong khi các bác sĩ khác không thể thay thế, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường.

Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Việt Đức tại TP.HCM cấp tập điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
Các y, bác sĩ nỗ lực chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Việt Đức tại TP.HCM (ảnh: Bộ Y tế).

Có nhiều đề xuất rằng Việt Nam cần có chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế, đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu, y tế dự phòng.

Bệnh viện quận Bình Tân xin lỗi, nhận trách nhiệm việc thu 36 triệu phí bệnh nhân Covid-19

Tờ Báo mới đưa tin, tại họp báo chiều 19/8, đại diện Bệnh viện Bình Tân gửi lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc sai sót thu phí bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện xin rút kinh nghiệm, cũng như rà soát, khắc phục, hứa chủ động trả lại chi phí cho người nhà bệnh nhân khi được ngân sách nhà nước chi trả.

Trước đó, nhiều báo đưa tin phản ánh vụ việc chị N.T.N. (ngụ quận 12, TP. HCM) cho biết ngày 3/8, mẹ ruột của chị là bà T.T.T. (57 tuổi) mắc Covid-19 đến Bệnh viện Đa khoa Bình Tân điều trị. Khi nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí nhiều lần với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16/8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong.

Bệnh viện yêu cầu gia đình nộp thêm 28 triệu đồng tiền viện phí để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Gia đình phải tự liên hệ với các cơ sở mai táng để lo hỏa táng cho người thân.

Bệnh viện quận Bình Tân xin lỗi, trả lại toàn bộ viện phí cho bệnh nhân mắc COVID-19
Bệnh viện quận Bình Tân sẽ liên lạc và hoàn trả lại toàn bộ viện phí cho bệnh nhân mắc COVID-19 (ảnh: BV).

Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân cho rằng số tiền mà người nhà bệnh nhân mắc Covid-19 phải chi trả là chi phí bệnh viện “tạm thu”, đơn vị sẽ liên lạc chi trả lại tiền viện phí khi được ngân sách nhà nước chi trả.

Mời quý vị xem video bản tin Covid-19 ngày 20/8

Từ Khóa: