Sáng 29/7 thêm 2.821 ca mới; TP. HCM: F0 tăng cao, thêm 100 xe cấp cứu 115, thêm 200 taxi chuyển thành xe y tế; “Bác sĩ 91” bạc trắng đầu sau hơn 10 ngày ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP. HCM; Hà Nội: Phong tỏa chợ đầu mối phía Nam, khoanh vùng tòa tháp A Vincom Bà Triệu…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 29/7/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Sáng 29/7 thêm 2.821 ca mới, TP. HCM có 1.715 ca; các quận, huyện TP HCM gấp rút lập khu cách ly F0

Bản tin Covid-19 sáng 29/7 của Bộ Y tế cho biết Việt Nam có thêm 2.821 ca mới trong đó TP. HCM là 1.715 ca. Tiếp theo là Bình Dương (406), Long An (179), Đồng Nai (159), Tây Ninh (139), Bà Rịa – Vũng Tàu (52), Đắk Lắk (37), Vĩnh Long (31), Khánh Hòa (18), Kiên Giang (18), Phú Yên (15), Đồng Tháp (15), An Giang (10), Hậu Giang (8 ), Cần Thơ (6), Nghệ An (4), Bình Định (3), Bạc Liêu (2), Đắk Nông (2), Lạng Sơn (1), Hà Nội (1) trong đó có 587 ca trong cộng đồng.

Theo tờ Tiền Phong, TP. HCM đang lấy sân vận động, nhà thi đấu, trường học làm nơi cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, giảm quá tải cho các bệnh viện điều trị tuyến trên. Ghi nhận trong sáng 28/7, một số xe cấp cứu chở nhiều ca nhiễm vào khu cách ly, điều trị F0 được lập tại sân bóng đá nằm đối diện Công viên Gia Định, quận Phú Nhuận. Từ nơi dành cho tập luyện thể thao, sân bóng rộng 5.000 m2 được quận Phú Nhuận chia 5 khu vực, gồm: khu A dành cho người test nhanh dương tính Covid-19; khu B cho F0 có bệnh nền, người cao tuổi; khu C cho F0 không có triệu chứng, bệnh nền; khu D dành cho cấp cứu; nơi nghỉ của bác sĩ và nhân viên y tế.

Huyện Nhà Bè cũng đang chuyển đổi hơn 60 phòng học, chức năng của trường THPT Dương Văn Dương tại xã Phú Xuân thành nơi cách ly F0 với gần 500 giường. Các quận 4, 5, Gò Vấp và Tân Bình cũng đẩy nhanh việc lập khu cách ly F0 tại một số trường THCS và tiểu học với tổng công suất hơn 2.000 giường.

TP.HCM: F0 tăng cao, thêm 100 xe cấp cứu 115, thêm 200 taxi chuyển thành xe y tế

Theo Bộ Y tế, hiện nay số lượng ca F0 vẫn còn tăng cao tại TP. HCM, Trong 2 tuần tới, TP.HCM dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 với đủ ê-kíp cấp cứu và trang thiết bị y tế. Đồng thời sẽ nâng cấp khoảng 200 xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế. Ngoài tài xế và nhân viên y tế, mỗi xe taxi sẽ được trang bị 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu cho việc cấp cứu.

TP.HCM: F0 tăng cao, thêm 100 xe cấp cứu 115, thêm 200 taxi chuyển thành xe y tế
Trong 2 tuần tới, Thành phố dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 với đủ ê kíp cấp cứu và trang thiết bị y tế (ảnh: Sở Y tế TP. HCM).

Việc này được thực hiện nhằm kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu chuyến nặng đến các bệnh viện, can thiệp điều trị sớm nhằm làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong.  Trước đây, mỗi ngày trung tâm 115 nhận được khoảng 1.200 cuộc gọi thì hiện nay lên 5.000 cuộc gọi/ngày. Hiện toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 được yêu cầu di dời về đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12) để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa nếu cần.

“Bác sĩ 91” già hơn nhiều sau hơn 10 ngày ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP. HCM

Theo trang tin của Bộ Y tế, sau 10 ngày chính thức nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bác sĩ Trần Thanh Linh (người chữa cho bệnh nhân 91 người Anh) – Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tóc bạc thêm và trông già hơn nhiều.

Bác sĩ Linh từng có mặt ở các điểm nóng về Covid-19 như Bắc Giang, Đà Nẵng, Gia Lai…nhưng bác sĩ chia sẻ rằng áp lực điều trị bệnh nhân trước đó không là gì so với thực tế tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM hiện nay. BS Linh là đội trưởng đội chi viện chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với 53 thành viên dày dạn kinh nghiệm (gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng) đã nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 quy mô 1.000 giường tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 ở TP Thủ Đức.

"Bác sĩ 91" già hơn nhiều sau hơn 10 ngày ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP. HCM
Tóc bác sĩ Linh bạc và trông anh già hơn sau 10 ngày điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (ảnh: Bộ Y tế).

BS. Linh nói đây là “trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng”. Đợt điều trị tại TP.HCM lần này thật sự là thách thức rất lớn với đội ngũ y bác sỹ bởi lượng bệnh nhân lớn và bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh. 

Hà Nội: Phong tỏa chợ đầu mối phía Nam, khoanh vùng tòa tháp A Vincom Bà Triệu

Theo VTC News, sáng 28/7, ông Ngô Sỹ Quý – Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, ngay khi nhận được thông tin phát hiện ca nghi mắc COVID-19 ở Chợ đầu mối phía Nam, đơn vị này nhanh chóng phong tỏa khu chợ, yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Trường hợp nghi mắc là chị N.T.M. (SN 1971, quê ở huyện ứng Hòa, hiện trú tại ngách 15 ngõ Gốc Đề, phường Hoàng Văn Thụ, TP Hà Nội), là tiểu thương bán trứng tại Chợ đầu mối phía Nam.

Tờ Vnexpress đưa tin vào hồi 16h30 cùng ngày, công an dựng rào chắn, chốt kiểm soát quanh sân khu tòa tháp A trung tâm thương mại Vincom, 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) do nhận được thông tin có 1 ca nghi nhiễm Covid-19. Nhân viên văn phòng được yêu cầu không ra khỏi khu vực. Nhân viên y tế phun khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm.

Hà Nội: Phong tỏa chợ đầu mối phía Nam, khoanh vùng tòa tháp A Vincom Bà Triệu
Lực lượng chức năng dựng rào chắn quanh tòa tháp A, trung tâm thương mai Vincom 191 Bà Triệu, chiều 28/7 (ảnh: Giang Huy).

Xe chở băng vệ sinh, tã bỉm bị chặn vì ‘không phải thiết yếu’

Theo Vnexpress, vào trưa 28/7, Công ty cổ phần Diana Unicharm cho biết, các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của doanh nghiệp bị cơ quan chức năng chặn khi vận chuyển mặt hàng băng vệ sinh, tã, bỉm đến các điểm bán lẻ. “Cơ quan quản lý giải thích những sản phẩm này không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu trong dịch nên không được vận chuyển, lưu thông”, đại diện Diana Unicharm nói.

Trong các địa phương, hiện chỉ có Đồng Nai xem băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu và nêu trong văn bản hướng dẫn.

Theo nghiên cứu của Nielsen U&A 2021, băng vệ sinh là biện pháp cơ bản được phụ nữ Việt Nam sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Số lượng phụ nữ cần sử dụng mặt hàng này là 30 triệu người, và số miếng cần sử dụng là 16 cho một chu kỳ.

Với mặt hàng tã trẻ em, có khoảng 3 triệu em bé độ tuổi 0-2 cần sử dụng. Mỗi bé trung bình cần 90 – 120 miếng tã một tháng, cao điểm, một bé sơ sinh có thể cần hơn 10 miếng một ngày. Còn với tã người lớn, theo thống kê, số người mắc các vấn đề về bài tiết phải sử dụng bỉm gần 1,4 triệu người trên toàn quốc.

Mời quý vị xem bản tin Covid-19 sáng ngày 29/7 của chúng tôi