Mẹ của thiếu niên bị công an đánh: Không có chuyện gia đình rút đơn; ‘Không muốn phiền hà hàng xóm phúng viếng’… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 1/10/2022.

Hơn 39.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong 2,5 năm

Chiều 1/10, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết sau khi có thông tin nhiều cán bộ, công chức nghỉ việc, đơn vị đã đề nghị các bộ ngành, địa phương báo cáo. Kết quả, có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức thôi việc. Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình số người nghỉ việc mỗi năm 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên… (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Hàng trăm cây thông bị đốn hạ

Ngày 1/10, công an huyện Lâm Hà cùng Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng khám nghiệm hiện trường, điều tra việc 165 cây thông ba lá, đường kính gốc 10-45 cm bị đốn hạ tại lô b, khoảnh 3, tiểu khu 274A, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

cây thông
Ảnh chụp màn hình trên báo VnExpress.

Diện tích rừng thông bị đốn hạ khoảng 1.700 m2. Những cây thông trưởng thành bị cắt sát gốc bằng cưa máy nằm la liệt, xếp lớp.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định không có dấu hiệu chặt hạ cây để lấy gỗ. Nhiều khả năng nhóm người này phá rừng lấy đất sản xuất (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Nhân chứng kể phút sập sàn thi công cầu Mỹ Thuận 2 kéo theo cả 3 công nhân

Theo lời kể của một số công nhân có mặt tại hiện trường, thời điểm xảy ra vụ việc, anh T.S.T. (công nhân điện), anh T.Q.V. và anh T.T.C. (tổ gia công thép) đang tiến hành kiểm tra sàn công tác thì bất ngờ, sàn này rung lắc mạnh và đổ sụp kéo theo cả 3 công nhân rơi xuống sông.

Anh V và anh T. biết bơi nên được tàu cá của người dân và tàu điều tiết của đơn vị thi công vớt lên an toàn. Riêng anh C. không biết bơi nên bị chìm, mất tích.

Anh Dương Văn N. (kỹ sư phục trách khối đúc dầm K1, nhà thầu Trung Nam E&C), nhân chứng tại hiện trường cho biết, vụ việc diễn ra rất nhanh.

“Lúc này, tôi đang đứng ở phía trong bệ, chỉ nghe anh em hô “sập sàn rồi”. Vừa quay sang thì đã thấy các công nhân rơi xuống sông.

Anh C. không biết bơi nên mau chóng bị chìm. Tôi còn nhớ rất rõ, trước khi chìm, anh còn cố ngoi đầu lên 2 lần.

Anh em đã quăng phao, tàu cũng lập tức lao ra trục vớt nhưng không kịp. Kể thì lâu nhưng vụ việc xảy ra nhanh lắm. Anh em ở đây ai cũng bất ngờ”, anh N. kể (đọc toàn bản tin trên Báo Giao Thông).

Mẹ của thiếu niên bị công an đánh: Không có chuyện gia đình rút đơn

Bà Huỳnh Thị Ngọc Nhẫn (mẹ của em N.H.Đ.) cho biết, sáng 1/10, gia đình nhận được giấy của công an thị xã Vĩnh Châu mời đến để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, theo người phụ nữ, thư mời ghi nhầm tên con trai bà.

“Những ngày qua có dư luận và một bài báo với nội dung gia đình tôi nhận 600 triệu đồng để rút đơn. Công an vừa gửi thư mời nên không có chuyện tôi rút đơn và gia đình không yêu cầu bồi thường”, bà Nhẫn chia sẻ.

người phụ nữ
Ảnh chụp màn hình trên báo Zing.

Theo người phụ nữ này, 3 cảnh sát đánh Đ. đã bị công an tỉnh Sóc Trăng tước quân tịch nhưng bà vẫn chờ kết quả xử lý đơn tố cáo. Bà Nhẫn cho biết, nếu công an thị xã Vĩnh Châu xử lý không thỏa đáng, gia đình sẽ gửi đơn đến cơ quan khác để yêu cầu xử lý hình sự những cảnh sát đã đánh người (đọc toàn bản tin trên báo Zing).

‘Không muốn phiền hà hàng xóm phúng viếng’

Liên quan vụ việc thi thể cụ P.T.K (95 tuổi) được phát hiện chôn trong vườn nhà con trai ruột tại xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình, bước đầu, lực lượng công an xác định thi thể không bị tác động ngoại lực.

Tại cơ quan điều tra, ông Đ.D.M. (59 tuổi – con trai cụ K.) trình bày, bố ông đã mất từ lâu. Năm 2013, vợ ông bị đuối nước khi đang giặt quần áo tại con sông trước cửa nhà, còn lại hai người con trai thì đi làm ăn xa.

Khi đó, người chị gái không lấy chồng thường giúp ông cùng chăm sóc mẹ già. Năm 2019, chị gái ông mất, chỉ còn một mình ông M. chăm sóc mẹ đã lớn tuổi.

Trình bày về việc tự chôn cất mẹ trong vườn nhà và nói dối quanh việc cụ K. mất tích. Ông M. cho biết, vì gia cảnh nghèo khó và trong nhà liên tiếp có đám tang khiến hàng xóm phải phúng viếng nhiều lần nên khi mẹ mất, ông M. dùng chăn quấn thi thể của cụ bà, sau đó chôn trong vườn nhà để không làm phiền mọi người (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).

Có thể bạn quan tâm: