Thêm 130.735 ca Covid-19; Hàng loạt người dân Đà Lạt, du khách và vận động viên nhập viện sau khi ăn bánh mì; Chồng qua đời sau khi cứu vợ ‘như trên phim’… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 22/3/2022.
Tóm tắt nội dung
Thêm 130.735 ca Covid-19
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 22/3 của Bộ Y tế cho biết có 130.735 ca mắc mới Covid-19 tại 62 tỉnh, thành; Hà Nội vẫn nhiều nhất 16.014 F0, tiếp theo là Phú Thọ 5.920 F0; 4 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc bổ sung hơn 118.400 F0.
Trong ngày có 186.137 bệnh nhân Covid-19 khỏi, 65 ca tử vong.
Hàng loạt người dân Đà Lạt, du khách và vận động viên nhập viện sau khi ăn bánh mì
Từ tối 18 tới ngày 21/3, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận tổng cộng 48 người nhập viện cấp cứu với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như nôn ói, tiêu chảy, đau đầu…
Theo ông Bùi Văn Độ – Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng, hầu hết 48 người phải nhập viện với các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, nôn, sốt, đi ngoài… Tất cả những người này trước đó đều ăn bánh mì hiệu L.H, được mua tại các cơ sở trên đường Trần Phú, đường Phan Chu Trinh và gần khu vực chợ Đà Lạt.
Ông Độ cho biết thêm: “Chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh mì, không có mẫu thực phẩm lưu theo quy định. Lực lượng chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động của các địa điểm bán bánh mì để làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm” (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Hỏa tốc: Khuyến cáo ngư dân Quảng Ngãi không neo tàu cá vào cầu Thạnh Đức
Theo Sở GT-VT Quảng Ngãi, hiện cầu Thạnh Đức đang xuống cấp nhưng ngư dân vẫn neo buộc tàu cá dọc theo lan can trụ cầu này, gây nguy cơ ngã đổ cầu bất cứ lúc nào.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND thị xã Đức Phổ và các cơ quan liên quan vận động các ngư dân neo tàu cá tại vũng neo đậu cảng cá Sa Huỳnh, không được lấy trụ cầu, lan can cầu Thạnh Đức làm nơi neo buộc tàu thuyền; đồng thời tổ chức cắm biển cấm ôtô tải và ôtô khách qua cầu…
Nhân viên bệnh viện xuống đường đòi lương
Chiều 21/3, hơn 60 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (đơn vị trực thuộc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam) lại cầm bằng rôn xuống đường để đòi quyền lợi. Nội dung băng rôn gây chú ý người qua đường với các nội dung: “Chúng tôi không muốn ăn xin từng tháng”, “Người lao động bị nợ lương kết quả từ những lời hứa không lời kết của lãnh đạo”; “Khẩn cầu Chính phủ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người lao động”…
Trao đổi với báo VietNamNet, bà Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn 1, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết: “Chúng tôi tiếp tục bị nợ lương tháng 2 và tháng 3/2022. Năm 2021, chúng tôi bị nợ 50% lương nhưng sang năm 2022 chúng tôi bị nợ cả 100%”.
Tuy nhiên theo bà Lê Thanh Bình lần này họ tiếp tục xuống đường không đơn thuần là do bị nợ lương. “Chúng tôi muốn giải quyết triệt để vấn đề lùm xùm tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Không thể tháng nào nhân viên y tế cũng phải ra đường để đòi lương” (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).
Chồng qua đời sau khi cứu vợ ‘như trên phim’
Anh Trần, người túm chặt tay vợ đứng ngoài rìa lan can trong vụ hỏa hoạn ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã qua đời vì bỏng nặng.
Gia đình cho biết, anh Trần qua đời rạng sáng nay, khi đang được điều trị tại bệnh viện thành phố Nam Kinh do vết bỏng nặng sau vụ hỏa hoạn tuần trước. “Gia đình đang thu xếp tổ chức tang lễ cho em tôi”, anh trai nạn nhân cho biết.
Anh Trần thu hút sự chú ý trên MXH Trung Quốc sau video cho thấy mặc cho lửa cháy bên trong căn hộ, anh cởi trần đứng ở ban công giữ cho vợ khỏi rơi xuống trong lúc chờ cứu hỏa. Nhiều người dùng MXH Trung Quốc cho rằng hình ảnh này “như trong phim” về tình cảm vợ chồng (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).