Trắng đêm đợi bốc số làm giấy tờ đất; 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong, nguy cơ bùng phát dịch… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 23/4/2022.
Bộ Y tế: Có đến 203 triệu chứng hậu Covid-19
Trong văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành, Bộ Y tế cho biết, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 với các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.
Các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, thậm chí đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể tồn tại dai dẳng từ đầu hay xuất hiện sau khi khỏi Covid-19 hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất gồm: Mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…
Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu Covid-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.
“Sau vụ Cường ‘cát’, sẽ làm rõ các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế khác“
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, đại tá Đinh Văn Nơi – giám đốc công an tỉnh An Giang cho biết việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Ngô Phú Cường (48 tuổi, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) về tội “trốn thuế” hơn 19 tỷ đồng chỉ là “bước đầu vào” của vụ án.
Theo đại tá Nơi, việc trốn thuế tài nguyên, khoáng sản đang diễn biến phức tạp nên phía công an sẽ tập trung điều tra không chỉ riêng doanh nghiệp Phú Cường, mà sẽ mở rộng làm rõ các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế ở đường thủy.
“Sắp tới sẽ làm rõ những doanh nghiệp, cá nhân đã khai thác tài nguyên, khoáng sản (cát) có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thoát tài sản của Nhà nước để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tất cả cát, đá phải đấu giá theo quy định pháp luật, phải nộp thuế rõ ràng, còn vào đây tận thu tài nguyên, khoáng sản và trốn thuế, công an An Giang sẽ xử lý nghiêm tới nơi, tới chốn”, đại tá Nơi khẳng định (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ).
Khẩn cấp xây kè ở nơi người dân thức trắng đêm canh sóng
Ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã quyết định xây dựng khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi).
Công trình này có chiều dài 700 m, bề rộng đỉnh kè 5,5 m với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, đảm bảo dự án hoàn thành trong năm 2022 để người dân ổn định đời sống (đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).
Trắng đêm đợi bốc số làm giấy tờ đất
Để làm sổ đỏ cho thửa đất của mình, anh Nguyễn Nhựt (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà) phải rời nhà từ lúc 0h, đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Cam Lâm để “xí chỗ”. Sau khi ghi tên vào số thứ tự, anh ngồi vật vờ hút thuốc cả đêm chờ trời sáng để được vào nộp hồ sơ sớm nhất.
Anh Nhựt cho biết, một ngày, Chi nhánh VPĐKĐĐ chỉ nhận giải quyết 60 hồ sơ, trong khi đó số lượng người đi làm thủ tục rất đông, nếu đi trễ một chút thì chỉ có nước quay xe về.
Tương tự, để làm hồ sơ đất đai, ông Trần Văn Tiếp (ở xã Suối Hiệp) có mặt tại Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cam Lâm từ lúc hơn 2h sáng.
Mất ngủ, vật vờ cả đêm, trông ông khá mệt mỏi. “Bản thân tôi 2 lần đi làm hồ sơ đất đai ‘hụt’ nên có kinh nghiệm, những người đi làm thủ tục lần đầu thì nhiều khả năng sẽ phải quay về vì 7h sáng là đã ghi số thứ tự xong hết rồi, còn họ thì buổi sáng mới tới thì không đến lượt”, ông Tiếp cho biết.
Không riêng gì Chi nhánh VPĐKĐĐ, mấy ngày trước, tại bộ phận một cửa UBND huyện Cam Lâm cũng có hàng chục người vạ vật, ngồi chờ cả đêm để ghi danh và làm thủ liên quan đến đất đai. Sau khi lấy được số thứ tự, nhiều người thì tranh thủ chợp mắt trên yên xe hay dựa lưng vào góc tường. Thậm chí, có người còn mang theo cả chiếu, bạt, mùng nằm chờ trời sáng. Một cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra trước đây (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong, nguy cơ bùng phát dịch
Tính đến giữa tháng 4/2022 trên địa bàn TP. HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.
Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định số mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn số ca được ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được ghi nhận và thống kê.
Tại TP. HCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, nguyên nhân tử vong là bệnh nhân được phát hiện muộn và nhập viện trễ (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).