Thêm 15.954 ca Covid-19; Dựng cây nêu, 3 người bị điện cao thế giật cháy sém người; Tượng hổ giống ‘lợn quay’ gây tranh cãi, chuyên gia văn hóa nói gì?… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 26/1/2022.
Thêm 15.954 ca Covid-19
Bản tin dịch Covid-19 ngày 26/1 của Bộ Y tế cho biết có 15.954 ca mắc Covid-19 tại 61 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn nhiều nhất 2.884 ca, tiếp theo là Đà Nẵng 991 ca.
Trong ngày có 20.540 ca khỏi, 155 ca Covid-19 tử vong.
Đến nay Việt Nam ghi nhận 166 F0 nhiễm biến chủng Omicron.
Dựng cây nêu, 3 người bị điện cao thế giật cháy sém người
Chiều 25/1, anh H.V.N. (sinh năm 1993, trú xã Tân Hương) và anh H.V.L. (SN 1996, trú xã Nghĩa Hành) sang nhà giúp bà C.T.V. (sinh năm 1972, trú xã Tân Hương) dựng cây nêu tết.
Trong lúc dựng, do không để ý ngọn cây nêu bất ngờ vướng vào đường điện cao thế phía trên khiến cả 3 nạn nhân bị điện giật.
Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã nhanh chóng tới ứng cứu và đưa cả 3 nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng cháy sém ở ngực, lưng, tay, chân, bỏng độ I,II,III (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Tượng hổ giống “lợn quay” gây tranh cãi, chuyên gia văn hóa nói gì?
Trước câu chuyện này, trao đổi với báo Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Tôi đã xem hình ảnh bức tượng hổ ở Thanh Hóa. Đó là bức tượng do công nhân làm nên chứ không phải một nhà điêu khắc chuyên nghiệp thực hiện”.
Chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cần có sự phân định rạch ròi nguồn gốc của tác phẩm để tránh có những phán xét, định đoạt mang tính chất thái quá: “Nếu tác phẩm là trưng bày của nhà điêu khắc sẽ là câu chuyện khác, họ phải thể hiện được đẳng cấp khác.
Còn đây là tượng linh vật được thực hiện bởi các công nhân không chuyên về thiết kế với mong muốn mang đến không khí chào xuân vui vẻ, lấy chỗ cho mọi người du xuân, chụp hình. Việc làm của họ xuất phát từ cái tâm. Chúng ta phải lấy chữ tình ở đó làm trọng”.
Về việc một số người lo lắng hình ảnh linh vật như vậy sẽ trở nên “méo mó”, ông Vỹ cho rằng: “Đây là quan điểm tùy từng người, cũng giống như việc, trước đây tôi cho rằng, tranh Guernica của Picasso là “méo mó”.
Còn những bức tượng hổ này tôi cho là “vụng”, vậy thôi. Nhưng công sức của công nhân làm ra vẫn đáng được ghi nhận”.
“Những bức tượng đón xuân như thế này không mới. Trước đây có rất nhiều người làm nhưng không lan truyền trên mạng xã hội, ồn ào khen chê như bây giờ.
Tất nhiên, nếu tất cả đều làm đẹp sẽ tốt hơn. Nhưng nếu có những bạn trẻ đắp không ra thần thái hổ mà mọi người mong muốn thì cũng đừng vội chê một cách xối xả.
Chuyện có người làm đẹp, có người làm xấu cũng như xã hội có người cao, người thấp, người béo, người gầy. Dùng những lời lẽ miệt thị sẽ không khác gì bị chê bai ngoại hình, người ta sẽ tủi thân lắm đấy!
Nghệ thuật điêu khắc cũng như nghệ thuật văn chương, có người hay người dở, miễn là người ta hướng đến yếu tố “vị nhân sinh” là được. Như tôi, giờ ai bắt tôi vẽ làm sao tôi vẽ được như họa sĩ. Từ đó mới sinh ra những người chuyên vẽ hổ, vẽ ngựa,… đừng đòi cái gì cũng tuyệt vời cả”, ông Hùng Vỹ nhấn mạnh.
“Tôi xin kể thêm một câu chuyện thế này, có lần tôi về quê chơi, được cô em hái cho ít rau trong vườn nhà, có thể không ngon nhưng tôi vẫn rất trân trọng bởi công sức cô ấy bỏ ra.
Tôi phải nói thẳng, cư dân mạng đôi khi hẹp hòi, khen chê tùy hứng, chấp nhặt quá đáng. Hãy rộng lòng một chút. Chúng ta hãy nhìn nhận mọi thứ đơn giản hơn cho cuộc sống thanh thản”, chuyên gia văn hóa bày tỏ (đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).
Học sinh lớp 3 tố bị đánh 70 roi, thâm tím mông
Chia sẻ với báo Thanh Niên, chị Đ. (người đã chia sẻ thông tin lên Facebook) cho biết: “Em trai tôi và 3 bạn cùng lớp bị đánh tím hết mông nhiều ngày nay. Khi về nhà, các em không dám nói với ai, không dám tắm. Đến khi gia đình phát hiện ra thì mới nói là bị cô giáo chủ nhiệm Vũ Thị H. (24 tuổi) và các bạn cán sự lớp dùng thước gỗ đánh mỗi người 70 cái vì không làm bài tập về nhà”.
Chị Đ. cho hay, sau khi gia đình các học sinh phản ánh sự việc với BGH Trường Tiểu học Ngũ Đoan thì cô giáo Vũ Thị H. đã đến xin lỗi các học sinh và gia đình.
“Sau khi xin lỗi, cô giáo Hoài lại phủ nhận việc đánh học sinh và cho biết các cháu bị chính bạn học là cán sự đánh. Chúng tôi không chấp nhận việc này, chính các bạn bị đánh đều nói cô H. có đánh. Chính vì vậy, chúng tôi mới đưa lên MXH và yêu cầu các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm”, chị Đ. nói.
Chiều 26/1, đại diện BGH Trường Tiểu học Ngũ Đoan cho biết: “Qua xác minh ban đầu thì được biết, cô H. giao cho một số học sinh làm cán sự có nhiệm vụ kiểm tra bài cũ. Nếu bạn nào chưa làm thì sẽ bị đánh đòn.
Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu cô giáo làm bản kiểm điểm, tường trình rõ vụ việc. Các em học sinh cũng được hỏi kỹ để làm rõ. Trước mắt là xác định có việc các em cán sự đánh bạn bằng thước. Cô H. có đánh hay không thì chúng tôi sẽ làm rõ” (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
Đi tắm suối, 2 học sinh ở Lâm Đồng bị đuối nước
Ngày 26/1, sau khi tan học, 6 em học sinh lớp 6 Trường THCS Đại Lào rủ nhau vào thác 11 tầng ở trên Suối Cát (tỉnh Lâm Đồng) chơi đùa.
Trong lúc xuống thác tắm, có 3 em học sinh không may bị nước cuốn. Thấy vậy, các em học sinh còn lại đã dùng cành cây cứu được 1 bạn vào bờ rồi tri hô người dân cứu 2 bạn còn lại.
Tuy nhiên, cả 2 em học sinh đã bị nước suối nhấn chìm. Khoảng 15 phút sau, khi một số người dân có mặt và tìm vớt lên bờ thì cả 2 em đã tử vong (đọc toàn bản tin trên báo Lao Động).
Mời quý độc giả xem thêm video tin hot (26/1): Chậm nhất 14/2, phải cho học sinh trở lại trường, người vùng đỏ về quê không cách ly