Xử lý hậu quả rất phức tạp khi cháy bãi giữ xe vi phạm giao thông; Từ bỏ ngành học mơ ước vì học phí tăng; HLV Polking bức xúc khi không được trao HC bạc… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 26/5/2022.
Tổng cục Hải quan: Lô khẩu trang viện trợ bị thiếu giấy tờ
Một ngày sau khi bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phản ánh tại Quốc hội về lô 1,1 triệu chiếc khẩu trang do doanh nghiệp tại Đức và kiều bào ở Hong Kong gửi từ tháng 11/2021 vẫn chưa được thông quan, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông báo giải thích.
Theo cơ quan này, tại thời điểm hai lô hàng về Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa có hai chứng từ gồm: Quyết định tiếp nhận viện trợ của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế) và tờ khai xác nhận viện trợ có xác nhận của cơ quan tài chính. Đây đều là giấy tờ đáp ứng đúng quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa là khẩu trang viện trợ.
Hiện nay, tờ khai xác nhận viện trợ đã được Bộ Tài chính chủ động bãi bỏ để phù hợp với tình hình chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Xử lý hậu quả rất phức tạp khi cháy bãi giữ xe vi phạm giao thông
Vừa qua, nhiều xe máy trong bãi giữ xe vi phạm ngoài trời của công an phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bị cháy trơ khung, hư hỏng trong vụ hỏa hoạn xảy ra sáng 22/5. Xử lý hậu quả những vụ việc này thường rất phức tạp.
Do tài sản chủ yếu là phương tiện bị tạm giữ chờ người vi phạm xử lý hoặc phương tiện đã bị tịch thu chờ bán đấu giá sung công quỹ nhà nước hoặc phương tiện đó là tài sản vô chủ đang chờ xác minh…
Việc phân loại, xử lý đối với phương tiện vi phạm bị tịch thu bán đấu giá sung công quỹ nhà nước chưa được kịp thời; phương tiện vi phạm bị tạm giữ không được bảo quản tốt nên giảm sút chất lượng; chưa có quy định rút ngắn thời gian xử lý đối với phương tiện khi chủ phương tiện không phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính…
Do số lượng phương tiện bị tạm giữ gia tăng đột biến nên gây áp lực cho CSGT trong việc bố trí nơi tạm giữ phương tiện. Việc trông giữ phương tiện với số lượng lớn có nguy cơ xảy ra cháy nổ và trộm cắp tài sản; phương tiện tạm giữ lâu ngày sẽ bị hoen rỉ, giám sút chất lượng. Nhiều phương tiện hư hỏng đến mức không thể phục hồi. Khi hết thời hạn tạm giữ, người vi phạm không đến nộp phạt và nhận lại phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt phải ban hành quyết định tịch thu phương tiện, bán đấu giá để sung công quỹ Nhà nước.
Khi tổ chức bán đấu giá thì giá trị của các phương tiện đã giảm sút, nhiều phương tiện chỉ quy đổi thành sắt vụn để bán đấu giá. Do đó, số tiền thu lại từ việc bán đấu giá các phương tiện bị tịch thu thường rất thấp… (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).
Từ bỏ ngành học mơ ước vì học phí tăng
Mất bố từ nhỏ, Lương Công Minh và mẹ sống trong một phòng trọ 20 m2 ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Thu nhập chính của hai mẹ con đến từ việc bán cá cảnh, nhưng không ổn định. Hàng tháng, 3-4 triệu đồng mẹ con Minh kiếm được chỉ đủ lo tiền trọ (1,3 triệu đồng), tiền học cùng ăn uống, sinh hoạt tằn tiện. Những lúc ế hàng hoặc đóng cửa vì dịch bệnh, mẹ Minh phải vay mượn khắp nơi.
Minh muốn học Luật trong khi mẹ khuyên nên chọn một trường quân đội, không mất học phí, lại “ổn định và đảm bảo đầu ra”. Bất đồng quan điểm giữa hai mẹ con kéo dài gần hai năm, cho đến tháng 4, khi Minh biết thông tin về mức học phí đại học sắp áp dụng.
Theo Nghị định 81/2021, mức trần học phí năm 2022-2023 với các trường đại học công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên là 1,2 đến 2,45 triệu đồng mỗi tháng, tăng 220.000 đồng đến một triệu đồng so với năm trước. Ngành Luật thuộc nhóm III – khối các ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật – có mức trần 1,25 triệu đồng. Những trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư có thể quyết định mức học phí gấp 2-2,5 lần mức trần này.
Rà một lượt những trường đào tạo ngành Luật đã công bố học phí năm tới, Minh thấy mức thu đều từ khoảng hai triệu đồng trở lên, gấp đôi mức 980.000 đồng của năm nay. Thêm tiền trọ, ăn uống và sinh hoạt, Minh nhẩm tính chi phí học đại học mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng – cao hơn tiền bán cá của mẹ.
“Mức học phí năm ngoái đã vượt quá khả năng kinh tế của gia đình, nhưng em nghĩ mình có thể làm thêm để bù đắp. Năm nay học phí lại tăng, em và mẹ không thể cáng đáng được”, Minh bày tỏ.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, nam sinh quyết định nghe lời mẹ, chọn một trường quân đội.
Cũng như Minh, hoàn cảnh gia đình khiến Ngọc Trâm, 18 tuổi, sống tại Quảng Ngãi, từ bỏ ước mơ học Ngôn ngữ Anh tại một trường top đầu ở TP. HCM.
Mỗi tháng, bố mẹ Trâm phải dành ra gần 10 triệu đồng tiền học cho ba chị em. Trong khi đó, mẹ Trâm làm công nhân lương 6 triệu, còn bố làm tự do. Điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, Trâm đành chọn ngành Ngôn ngữ Anh tại một đại học ở Đà Nẵng.
“Năm ngoái, học phí ngành này khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Gia đình em cũng không dễ dàng chi trả mức này, nhưng trong tất cả trường đã tìm hiểu, đây là mức thấp nhất”, nữ sinh nói… (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Tử vong vì áo mưa cuốn vào bánh xe
Sáng 23/5, ông Phạm Thanh Thảo (56 tuổi, ngụ huyện Trà Cú, Trà Vinh) điều khiển xe máy không biển kiểm soát (loại xe thô sơ tự chế) kéo theo xe khác, lưu thông trên đường Đồng Khởi, hướng từ cầu Tầm Phương đi về cầu Long Bình 2 (TP. Trà Vinh). Khi đến đoạn thuộc khóm 4, P.9, chiếc áo mưa ông Thảo đang mặc bị cuốn vào bánh xe, tự gây tai nạn giao thông khiến ông tử vong.
Đã có nhiều vụ tai nạn do áo mưa cuốn vào bánh xe, vì vậy mọi người cần cẩn thận khi mặc áo mưa điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
HLV Polking bức xúc khi không được trao HC bạc
Thái Lan thua Việt Nam 0-1 trong trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 trên SVĐ Mỹ Đình tối 22/5.
Ở phần trao giải, HLV Polking tỏ vẻ bất cần. Nhưng sau đó HLV Polking gặp Ban tổ chức và lớn tiếng: “Huy chương của tôi đâu? Tôi chưa có”.
Trợ lý HLV của Thái Lan, Luis Filipe còn kéo một nhân viên truyền thông của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ra trách móc. “Tại sao ban huấn luyện chúng tôi không đủ huy chương? Làm ăn thật thiếu chuyên nghiệp”, vị này chất vấn.
Dù được giải thích rằng Ban tổ chức đã trao đầy đủ, việc thiếu huy chương là do Thái Lan mang quá số người quy định, Filipe vẫn vùng vằng và nói nhiều từ ngữ khó nghe.
Trao đổi với báo VnExpress, HLV Polking thừa nhận ông biết quy định của Ban tổ chức nhưng vẫn… đòi hỏi. HLV Polking từ chối trả lời sâu hơn về hành động này, và cho biết bây giờ “không còn vấn đề gì nữa” (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).