VnExpress dẫn lời ông Bùi Hòa An – Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, dự kiến trong 30 năm tới, mạng lưới đường thủy nội địa tại thành phố sẽ tập trung vào ba hướng liên kết gồm: bốn tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); ba tuyến kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái (quận 2) và hai tuyến vành đai.

Cùng với đó, TP.HCM sẽ mở rộng kết nối vùng với các tỉnh Đông Nam Bộ qua đường thủy, với 5 tuyến chính, gồm Sài Gòn – Thị Vải, Sài Gòn – Bến Súc, Sài Gòn – Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông), Sài Gòn – Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn – Hiếu Liêm (sông Đồng Nai).

Hướng kết nối về các tỉnh Tây Nam Bộ, từ TP. HCM sẽ thông qua các tuyến chính gồm Sài Gòn – Hà Tiên, Sài Gòn – Kiên Lương, Sài Gòn – Cà Mau, duyên hải Sài Gòn – Cà Mau và tuyến ven biển từ TP. HCM đến Kiên Giang.

Đối với hệ thống cảng, bến… ngoài xây dựng theo quy hoạch sẽ tập trung hoàn chỉnh các cảng cạn ICD nhằm tăng khả năng trung chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp, chế xuất… đến cảng biển. Đồng thời để phát triển các trung tâm logictics (dịch vụ trung gian cho hoạt động giao nhận hàng hoá)…, hạ tầng sẽ đầu tư đồng bộ và tăng sự kết nối. Các cảng bến cũng sẽ được tính toán, phục vụ cho việc chở khách và du lịch.

TP.HCM cần 21.000 tỷ đồng để phát triển giao thông đường thủy
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Tuổi Trẻ.

Theo Sở GTVT TP.HCM, để hiện thực hóa các dự án trên sẽ cần hơn 21.000 tỷ đồng cho giao thông thủy. Trong đó, khoảng 4.100 tỷ đồng đầu tư cho các dự án cảng, luồng tuyến. Đặc biệt, vốn cho duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy được tính khoảng 570 tỷ đồng mỗi năm, tức trong 30 năm cần 17.100 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 17/8, báo Tuổi Trẻ đã đưa tin, trong đề án ‘Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP. HCM’, Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết sẽ phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Mời quý độc giả nghe bản tin qua audio: