Kiến nghị tăng chi phí quản lý 2 tuyến Metro ở Sài Gòn
Ảnh chụp từ màn hình hiển thị trên báo VnExpress.

Theo VnExpress, TP. HCM dẫn báo cáo từ BQL đường sắt đô thị (MAUR – chủ đầu tư) cho biết, chi phí quản lý 2 tuyến Metro số 1 và 2 định mức 117 tỷ đồng là không đủ chi phí vận hành và lương nhân viên…

Trước đây, theo Quyết định 79, chi phí quản lý 2 tuyến Metro tính bằng định mức tỷ lệ phần trăm do Bộ Xây dựng đưa ra nhân với chi phí xây dựng và thiết bị (chưa tính thuế) trong tổng mức đầu tư.

Theo phương pháp này, Metro Số 1 năm 2007 có chi phí xây dựng và thiết bị hơn 10.700 tỷ đồng, sau đó tăng lên 26.300 tỷ đồng nên phí quản lý 68 tỷ đồng (chiếm 0,2% chi phí xây dựng, thiết bị). Metro Số 2 chi phí xây dựng và thiết bị gần 14.000 tỷ đồng duyệt năm 2010, phí quản lý 49 tỷ đồng (chiếm 0,3%).

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR nói “cách tính này khiến MAUR không đủ chi phí hoạt động và từ giữa năm 2013 đã sử dụng hết 117 tỷ đồng của cả hai dự án”. Từ 2013 đến 2019, ngân sách phải tạm ứng hơn 235 tỷ đồng để trả lương, cán bộ, viên chức… nhưng vẫn gặp khó khăn.

Tháng 11 năm ngoái, chi phí quản lý mà MAUR dự toán cho Metro Số 1 hơn 168 tỷ đồng và Metro Số 2 gần 303 tỷ đồng, sau khi hai dự án điều chỉnh tổng vốn lần lượt hơn 43.700 tỷ đồng và gần 47.900 tỷ đồng.

Số tiền dự toán trên được lập theo thời gian hoạt động, nhân sự và chế độ tiền lương cho Metro Số 1 từ năm 2007 đến 2022 và Metro Số 2 từ 2010 đến 2027. Nếu so với cách tính theo tỷ lệ phần trăm, hai tuyến metro này lần lượt có chi phí quản lý vượt 2,1 và 4,1 lần.

Đến nay, việc thi công 2 tuyến Metro bị đánh giá vướng nhiều khâu, tiến độ ì ạch ở nhiều hạng mục. Theo báo Thanh Niên, quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án rất phức tạp vì tại khu vực đông dân cư, tuyến Metro số 1 kéo dài từ năm 2007 đến năm 2012 mới khởi công được gói thầu chính, còn tuyến Metro số 2 cũng kéo dài tư năm 2010 đến năm 2020 mới bắt đầu việc đền bù giải phóng mặt bằng các nhà ga dọc tuyến.