Mạng lưới thông tin về Trung Quốc cho biết, chính quyền Trịnh Châu thuê người đến các nhà hàng ăn uống để ngụy tạo không khí mở cửa “bình thường hóa” sau vụ hàng chục nghìn công nhân Foxconn đào thoát khỏi nhà máy.
“Bạn có thể được nhận 100 nhân dân tệ mỗi ngày cho chi phí biểu diễn”, một công dân ở Trịnh Châu (Trung Quốc) chia sẻ về lời mời chào của chính quyền với một nhóm người dân vào ‘vai diễn quần chúng’. Cụ thể, tài khoản WeChat ở Trịnh Châu đã liên hệ với một nhà tuyển dụng và nói rằng, họ muốn tìm người hợp tác với lãnh đạo địa phương trong việc đến các nhà hàng để ăn uống và còn được nhận tiền đem về.
Sự việc trên diễn ra vào ngày 1/11, được bà Trịnh – một công dân Trịnh Châu, tiết lộ với Secretchina. Ngoài ra, một số người đã chụp lại màn hình điện thoại liên quan đến nội dung trao đổi trên như một bằng chứng cho thấy ‘cú lừa’ của lãnh đạo thành phố.
Sự việc này xảy ra trong bối cảnh Trịnh Châu liên tục căng thẳng vì chính sách Zero Covid của ĐCS Trung Quốc. Thành phố với các khu công nghiệp khổng lồ nghẹt thở bởi các lệnh giới nghiêm tại chỗ của giới chức. Người dân bị nhốt trong các khu vực bị chốt chặt trong thời gian dài, khiến tâm lý ức chế ngày càng gia tăng. Đặc biệt, một tuần qua, hàng chục nghìn công nhân nhà máy Foxconn bỏ trốn, nháo nhào tìm đường thoát thân trên các cao tốc, hoặc đi xuyên qua các cánh đồng để về quê, đã gia tăng thêm sự hỗn loạn trong lòng dân. Ngoài ra, nó tạo tâm lý bất ổn cho hàng trăm doanh nghiệp tỷ đô đang đầu tư tại vùng đất này.
Để tìm cách an dân, chính quyền thành phố tăng cường dùng truyền thông nhà nước để củng cố lòng tin. Tuy nhiên, biện pháp ‘tiểu thuyết hóa tình hình” đang gây hiệu ứng ngược, chẳng khác ‘lấy dầu dập lửa’, khiến dân chúng càng bực tức. Đơn cử, bài thăm dò dán mác “Thăm hỏi tình hình cuộc sống hiện tại ở khu vực không bị chặn ở Trịnh Châu” đăng trên Weibo bị nhiều cư dân mạng phản ứng, cho rằng tuyên bố của chính quyền và truyền thông không phản ánh trung thực tình hình địa phương. Người dân để lại các tin nhắn: “Bỏ chặn được một ngày thì lại bị chặn ngay”; “Hãy để chúng tôi ra ngoài mua và tích trữ rau”; “Diễn cái trò hề lừa bịp quần chúng mãi, quá hiểu rồi”.
Để chữa cháy, ngày 3/11, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trịnh Châu đã tổ chức một cuộc họp báo, nói rằng có 3.899 cộng đồng ở Trịnh Châu đã được bỏ phong tỏa. Song, đáng nói là, trong lúc đang truyền hình trực tiếp buổi họp báo, rất nhiều người đã vào để lại bình luận chỉ trích sự dối trá. “Các anh đang bịa chuyện”; “Nói dối không biết đỏ mặt”; “Các anh có biết sự thật không; chúng tôi bị bỏ mặc 5 ngày mà không có ai quan tâm”; “Không thu nhập, chúng tôi chết đói đến nơi rồi”…
Hoảng hồn với các bình luận từ phía người dân, nhóm làm truyền hình đã vội vã tắt chức năng bình luận trực tiếp.
Vì sao hàng nghìn công nhân Foxconn đào thoát?
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu – Hà Nam (Trung Quốc) là nơi gia công chính cho sản phẩm iPhone của Apple. Một số liệu trên tờ The Guardian cho thấy nhà máy này có ít nhất 200.000 công nhân. Một số nguồn tin khác dẫn số liệu lớn hơn, khoảng 350.000 công nhân.
Trong hơn một tuần qua, có hàng chục nghìn công nhân nơi đây đã chạy khỏi nhà máy. Nguyên do bởi chính sách phong tỏa nhà máy quá hà khắc khiến công nhân phải sống trong các khu ký túc xá chật hẹp, không có người dọn vệ sinh, rác thải chất đống và họ phải ăn đồ ăn thiu mốc. Tâm lý đào thoát khỏi nhà máy của công nhân càng lên cao khi xuất hiện video đăng trên mạng cho thấy, có một căn phòng bí ẩn không rõ khu nào trong ký túc xá với số hiệu 726, có 8 người đều bị chết vì sốt cao.
Thông tin về 8 cái chết trên phòng 726 đã thổi bùng lên nhận định về một siêu biến chủng trong khu ký túc xá, khiến hàng nghìn người tin rằng họ không nhanh chóng thoát ra ngoài sẽ trở thành vật tế cho siêu biến chủng mới như 8 đồng nghiệp xấu số.