Một hạt giống không khác gì một máy tính sinh học mini; trong đó có các mã di truyền và là tài sản trí tuệ chứa hàng tỷ đô la. Nếu bí mật công nghệ trong hạt giống Mỹ rơi vào tay Trung Quốc, Bắc Kinh có thể làm những điều khủng khiếp.

Trung Quốc luôn cố gắng đánh cắp các hạt giống và bí quyết công nghệ sản xuất nông nghiệp từ Mỹ, theo ông Ross Kennedy, một nhà phân tích chuỗi cung ứng và hậu cần tại Fortis Analysis.

Với đất nước có 1,4 tỷ dân, việc “sở hữu các phương cách nhằm tăng cường an ninh lương thực trong nước là nhiệm vụ số một” của Trung Quốc, ông Kennedy nói với đài truyền hình NTD, một chi nhánh của The Epoch Times.

“Nói dối, ăn cắp, đổi chác, Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được công nghệ đó”.

Ông Kennedy cho biết, bằng cách đánh cắp các công nghệ nông nghiệp của Mỹ và phát triển một phiên bản của riêng họ, Trung Quốc sẽ có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của nước này. Từ đó, Trung Quốc cũng tìm cách hạ gục Mỹ về mặt kinh tế và ngoại giao, nhằm theo đuổi vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp.

Ông nói: “Nếu họ có thể ‘bẻ mã khóa’ của một sinh vật biến đổi gen, thì họ sẽ có thể đánh cắp hàng trăm triệu hoặc thậm chí hàng tỷ đô la tài sản trí tuệ”.

Trung Quốc thèm muốn bí mật công nghệ trong hạt giống Mỹ

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu là 133,1 tỷ USD trong năm 2019.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã coi an ninh ngũ cốc là “cơ sở cốt lõi của an ninh quốc gia”. Trong chuyến thị sát phòng thí nghiệm hạt giống ở tỉnh Hải Nam vào tháng 4, ông Tập đã kêu gọi đất nước “nắm chặt hạt giống Trung Quốc bằng chính bàn tay của chúng ta” để “giữ cho bát gạo của Trung Quốc ổn định và đảm bảo được an ninh lương thực”.

Do hạn chế vì diện tích canh tác bị thu hẹp, thiên tai và nhu cầu lương thực ngày càng tăng, Trung Quốc từ lâu đã thể hiện mối quan tâm đáng kể đến các tài sản nông nghiệp của Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả các hạt giống là những “con chip” của ngành nông nghiệp.

Trung Quốc "thèm muốn" bí quyết công nghệ trong các hạt giống Mỹ nhằm đảm bảo lương thực cho hơn tỉ dân trong nước (ảnh: Flickr).
Trung Quốc “thèm muốn” bí quyết công nghệ trong các hạt giống Mỹ nhằm đảm bảo lương thực cho hơn tỉ dân trong nước (ảnh: Flickr).

Một số nhà khoa học Trung Quốc đã “đi tắt đón đầu” bằng cách thẳng tay đánh cắp bí mật thương mại nông sản của Mỹ.

Vài ngày trước chuyến đi của ông Tập tới Hải Nam, Xiang Haitao, quốc tịch Trung Quốc, một nhà khoa học từng làm việc tại tập đoàn Monsanto ở Missouri, đã bị tòa án liên bang Hoa Kỳ kết án 29 tháng tù vì tội đánh cắp bí mật thương mại từ nhân viên cũ của mình. Xiang đã cố gắng đánh cắp một thuật toán giúp nông dân tối ưu hóa năng suất nông nghiệp để mang lại lợi ích cho một viện nghiên cứu của nhà nước Trung Quốc.

Trong một trường hợp khác, Mo Hailong, giám đốc kinh doanh quốc tế của một công ty kinh doanh nông sản có trụ sở ở Bắc Kinh có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cố gắng ăn cắp hạt giống ngô từ các cánh đồng thử nghiệm của Monsanto và một nhà sản xuất hạt giống khác của Mỹ là Dupont Pioneer từ năm 2011 đến năm 2012. Mo đã bị kết án năm 2016, sau khi anh ta nhận tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại.

Năm 2018, hai nhà nghiên cứu gạo Trung Quốc đã đến thăm các cơ sở nghiên cứu và sản xuất khác nhau của Hoa Kỳ. Các công tố viên Hoa Kỳ buộc tội họ âm mưu ăn cắp công nghệ sản xuất gạo. Giới chức Mỹ đã tìm thấy những hạt gạo bị đánh cắp trong hành lý của hai người này tại sân bay Honolulu khi họ định bay về Trung Quốc.

Trung Quốc dùng hạt giống như một biến thể của “ngoại giao bẫy nợ”

Theo ông Kennedy, hành vi trộm cắp bí mật công nghệ như vậy có thể trở thành một “đòn bẩy ngoại giao lớn” đối với Trung Quốc và cho phép nước này làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn thế giới.

Với những hạt giống lấy cắp được, Trung Quốc có thể sử dụng kỹ thuật đảo ngược, từ đó giải mã và tạo ra các giống cây trồng có năng suất cao, khả năng thích ứng khí hậu theo ý muốn.

Nhà phân tích Kennedy cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có thể “vũ khí hóa hạt giống” để xóa sổ khả năng sản xuất cây trồng trên quy mô lớn của đối thủ. Họ có thể làm điều này bằng cách bật hoặc tắt các tác nhân di truyền khiến mùa màng thất bát, tạo ra độc tố trong thực vật để đầu độc động vật, hoặc khiến cây trồng trở nên yếu ớt đối với một số loại vi khuẩn hoặc nấm.

Ông Kennedy cho rằng Trung Quốc có thể phổ biến hạt giống mà họ tạo ra thông qua dự án “Vành đai và Con đường“. Nhưng các dự án liên quan đến hạt giống có lợi ích ngắn, “chúng chỉ giữ được trong túi 1-2 năm”. Mặt khác, nó có thể giúp Trung Quốc duy trì kiểm soát đối với quốc gia sở tại.

Ông Kennedy nói: “Đây là một cách mà Trung Quốc có thể duy trì quyền kiểm soát đối với một số thứ ở cấp độ thường niên. Bằng cách kiểm soát các hạt giống, Trung Quốc có thể đưa ra các điều khoản mà các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài nguyên phải tuân theo”.

Ông nói thêm: “Đó là một biến thể của ngoại giao bẫy nợ, nhưng nó cũng tấn công ngay lập tức và rất sát sườn (với quốc gia sở tại), trong khi các dự án như xây cầu hay đường sắt khó có thể làm được”.