Campuchia, quốc gia láng giềng của Việt Nam, đã mở đường cho Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại Đông Nam Á.

Vào tháng 10 năm 2020, các bức ảnh vệ tinh cho thấy chính phủ Campuchia đã phá hủy hai cơ sở do Mỹ xây dựng tại Căn cứ Hải quân Ream của quốc gia Đông Nam Á.

Động thái này làm dấy lên nghi ngờ về việc chính quyền Hun Sen chuẩn bị mở đường cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại Campuchia. Phnôm Pênh đã phủ nhận thông tin này.

Tuy nhiên, thông tin mới đây cho thấy Campuchia thật sự mở đường cho quân đội Trung Quốc đóng quân tại Đông Nam Á. Vào ngày mai (9/6/2022), Bắc Kinh chuẩn bị động thổ xây dựng một cơ sở hải quân của Trung Quốc tại chính căn cứ Ream ở Campuchia. Thông tin đầu tiên do tờ Washington Post đưa ra.

Căn cứ hải quân Ream tại Campuchia (ảnh: Amti).
Căn cứ hải quân Ream tại Campuchia (ảnh: Amti).

“Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường sức mạnh ở châu Á – Thái Bình Dương khi nước này tìm cách chống lại chính sách kiềm chế của Mỹ”, theo tạp chí Time.

Một quan chức Trung Quốc xác nhận với tờ Post rằng quân đội Trung Quốc và các nhà khoa học Trung Quốc sẽ sử dụng “một phần” căn cứ quân sự của Campuchia.

Trung Quốc hiện diện quân sự tại nhiều nước

Năm 2019, Wall Street Journal tiết lộ Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật kéo dài 30 năm nhằm cho phép quân đội của họ sử dụng căn cứ Ream. Các nguồn tin ngoại giao Hoa Kỳ nói với TIME rằng Trung Quốc ít nhất sẽ có sự hiện diện quân sự bán thường trực tại Campuchia.

Trung Quốc trong nhiều năm đã xây dựng các tiền đồn quân sự phi pháp trên các bãi đá và rạn san hô ở Biển Đông. Họ cũng đã mở căn cứ quân sự chính thức ở nước ngoài, đó là tại Djibouti (nơi Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Ý cũng có căn cứ).

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc mở rộng căn cứ quân sự tại Djibouti (ảnh: Twitter).
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc mở rộng căn cứ quân sự tại Djibouti (ảnh: Twitter).

Bắc Kinh cũng đã mở một tiền đồn quân sự ở Tajikistan, gần biên giới với Afghanistan. Ngoài ra, có thông tin cho rằng Trung Quốc cũng đang xây dựng một cơ sở cảng biển có thể sử dụng cho hoạt động quân sự ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vào tháng 4, một thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã bị rò rỉ trên mạng. Trong đó tiết lộ rằng Solomon cho phép Trung Quốc đưa cảnh sát vũ trang và quân nhân đến quốc gia Nam Thái Bình Dương này. Một số quan chức Mỹ tin rằng điều đó có thể là bước đầu cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Solomon.

Các nước trong khu vực sẽ phản ứng thế nào?

Giáo sư Jonathan Sullivan, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nottingham của Vương quốc Anh cho biết: “Bức tranh toàn cảnh là khu vực đang trở nên quân sự hóa hơn.”

“Không chỉ thông qua Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà với những nước khác cũng tăng chi tiêu quốc phòng để đáp trả, điều này làm tăng rủi ro vì hai bên chủ chốt đang cạnh tranh rõ ràng và tăng cường xây dựng liên minh cũng như năng lực của mình.”

Thủ tướng Campuchia Hun Sen; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Wikimedia Commons). Mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc là một mối lo ngại đối với Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Wikimedia Commons). Mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc là một mối lo ngại đối với Việt Nam.

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia ngày càng rõ ràng. Ngoài việc dọn đường cho Trung Quốc mở căn cứ quân sự, Campuchia còn nhiều lần có động thái có lợi cho Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Giới quan sát đang chú ý theo dõi xem các quốc gia ASEAN khác sẽ phản ứng như thế nào về việc Trung Quốc xây dựng tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia. “Nếu phản ứng là nhỏ, Trung Quốc có thể sẽ có những động thái khác”, theo giáo sư Sullivan.

Ngoài Campuchia, Trung Quốc “có thể đã xem xét một số quốc gia”, bao gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka và Tanzania.

Từ Khóa: