Trung Quốc đã buộc phải từ bỏ các dự án cơ sở hạ tầng trên ba hòn đảo ngoài khơi bán đảo Jaffna của Sri Lanka, sau sức ép từ Ấn Độ, theo Times of India (TOI).

Vào tháng 1 năm 2021, Ấn Độ bất ngờ khi Sri Lanka thông báo rằng Hội đồng Quản trị Điện lực nước này đã quyết định trao hợp đồng xây dựng “hệ thống năng lượng tái tạo kết hợp” ở ba hòn đảo ngoài khơi biển Jaffna cho một công ty Trung Quốc, Công ty Công nghệ Sino Soar Hybrid Technology.

Ba hòn đảo ở phía bắc của Sri Lanka có tên Delft, Nagadeepa và Analthivu. Do gần bang Tamil Nadu của Ấn Độ, ba hòn đảo này có vị trí chiến lược và nhạy cảm về an ninh đối với New Dehli.

Vì vậy, Ấn Độ đã cố gắng ngăn cản dự án điện của Trung Quốc tại ba đảo của Sri Lanka.

Theo báo cáo của newsfirst.lk, vào đầu năm 2021, Ấn Độ đã đệ công hàm “phản đối mạnh mẽ” đối với Sri Lanka về việc trao thầu cho công ty Trung Quốc. Sau gần 1 năm, Sri Lanka đã hủy bỏ thỏa thuận với công ty Trung Quốc.

Dù không nêu đích danh Ấn Độ, đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka hôm 1/12 xác nhận trên Twitter rằng: “Công ty Công nghệ Sino Soar Hybrid của Trung Quốc, đang bị đình chỉ xây dựng hệ thống Năng lượng tái tạo tại 3 hòn đảo phía bắc của Sri Lanka do ‘lo ngại an ninh’ từ bên thứ ba”.

Thay vào đó, Bắc Kinh đã ký được một hợp đồng xây nhà máy điện mặt trời tại 12 hòn đảo của Maldives ở gần Sri Lanka vào ngày 29/11.

Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau ở Sri Lanka trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Giới quan sát ngày càng lo ngại rằng về các nước bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Sri Lanka là một trong số đó.

Vào năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải bàn giao cảng biển Hambantota có tầm quan trọng chiến lược cho một công ty nhà nước Trung Quốc. Hợp đồng chuyển giao kéo dài 99 năm như một khoản hoán đổi nợ lên tới 1,2 tỷ USD.