Bắc Kinh đã ban hành Luật an ninh quốc gia Hồng Kông vào 23 giờ đêm 30/6 và có hiệu lực ngay lập tức. Văn bản này cho phép chính quyền Trung Quốc xử lý các cá nhân, tổ chức bị cáo buộc ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các thế lực nước ngoài. Mức án cao nhất cho các hành vi phạm tội theo Luật này là tù chung thân.

Vì nền dân chủ cho Hồng Kông và quyền tự do của mọi người dân trên thế giới, các quốc gia phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ và Anh, đã lên án đạo luật này của Trung Quốc. Theo The Epoch Times (ET), các chuyên gia gọi đạo luật này là hình thức xuất khẩu chế độ áp bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và động thái như vậy chưa từng xảy ra.

Hàng loạt vụ bắt giữ

Vừa qua, Trung Quốc đã bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động dân chủ.

Sáng ngày 10/8, ông trùm truyền thông Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) cùng 2 con trai và một số đồng sự đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt vì nghi ngờ vi phạm Luật an ninh quốc gia. Sau đó vài giờ, chính quyền Trung Quốc cũng áp dụng Luật này để bắt giữ nữ sinh viên ủng hộ dân chủ Hồng Kông, Châu Đình (Agnes Chow).

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hoa Kỳ Samuel Chu và năm người khác cũng bị chính quyền Hồng Kông bắt giữ sau khi luật được thực thi.

Giới quan sát nhận định việc bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ theo Luật an ninh quốc gia là đòn nặng nề giáng vào tự do báo chí và ngôn luận.

Ông Chu đã bình luận: “Luật an ninh quốc gia Hồng Kông được xây dựng, ban hành ở Bắc Kinh và không có sự tham gia của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Luật này áp dụng cho cả người nước ngoài. Hơn 85.000 người Mỹ đang sống và làm việc ở Hồng Kông bị vi phạm tự do nhân quyền, ngay cả tôi đang ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng, không ai nằm ngoài phạm vi áp dụng của Luật này”.

Luật đã gây ra quan ngại rằng Hồng Kông sẽ bị ĐCSTQ kìm kẹp như các thành phố khác của Trung Quốc đại lục. Hơn nữa, đến nay mối đe dọa đã lan rộng ra ngoài Hồng Kông.

Gieo rắc sự sợ hãi

Theo ET, luật sư Scott Watnik tại công ty luật Wilk Auslander nhận định Luật an ninh quốc gia Hồng Kông là “hoàn toàn chưa từng có”, nó áp dụng cho tất cả mọi người trên thế giới, “không có biện pháp bảo vệ nào đối với những công dân nước ngoài tại đó”.

Ông Watnik chia sẻ với ET: “Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu gieo rắc nỗi sợ hãi cho các nhà phê bình trên toàn thế giới, đồng thời kiểm soát bài viết để các nhà báo và quan chức chính phủ phải suy nghĩ kỹ trước khi họ chỉ trích Trung Quốc. Ít nhất thì ở một mức độ nào đó, họ có thể sẽ đạt được thành công trong việc tạo ra hiệu ứng này”.

Quy định của Luật này mở rộng đến mức tất cả quyền buộc tội và thực thi đều “nằm trong tay Bắc Kinh, mà không có bất kỳ cơ quan tư pháp hoặc cơ quan nào khác kiểm tra chính quyền Trung Quốc”, ông Watnik nói.

“Luật này không có giới hạn; nó có nghĩa là bất cứ điều gì Bắc Kinh muốn” ông nói thêm.

‘Ăn miếng trả miếng’

Đáp lại đạo luật của Bắc Kinh, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc, trong đó có trưởng đặc khu Carrie Lam, vì “làm suy yếu quyền tự trị” của đặc khu. Toàn bộ tài sản tại Mỹ và lợi ích liên quan của các quan chức bị trừng phạt hoặc các tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên, đều sẽ bị phong tỏa.

Trung Quốc nhanh chóng có động thái “ăn miếng trả miếng” với Hoa Kỳ, bằng cách ra lệnh trừng phạt 11 chính trị gia Hoa Kỳ ủng hộ dân chủ Hồng Kông – bằng với con số mà Hoa Kỳ đã đưa ra.