2927-pjimage-83
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều quyết sách cứng rắn nhắm vào các tham vọng của chính quyền Trung Quốc. Ảnh ghép từ Gage Skidmore/Flickr và Điện Kremlin.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/9 đã công bố một bản thông tin phơi bày tình trạng tàn phá môi trường trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc.

Trong bản thông tin, chính quyền Trump nêu rõ: “Bắc Kinh là nơi phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới; là nguồn rác biển lớn nhất; là thủ phạm tồi tệ nhất trong việc đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo, không được kiểm soát; và là nơi tiêu thụ các sản phẩm gỗ và động vật hoang dã bị buôn bán lớn nhất thế giới”.

Báo cáo cũng lên án: “Trong khi người dân Trung Quốc phải gánh chịu những tác động môi trường tồi tệ nhất từ các hành động của họ, Bắc Kinh cũng đe dọa nền kinh tế toàn cầu và sức khỏe toàn cầu bằng việc khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên và cố ý coi thường môi trường thông qua sáng kiến Một vành đai, Một con đường”.

Trước đó, đã có những báo cáo tương tự về tình trạng phá hoại môi trường của chính quyền Trung Quốc, trong đó có khu vực Biển Đông.

Trung Quốc tàn phá môi trường sinh thái ở Biển Đông

Các nhà nghiên cứu và giới chức chuyên môn cảnh báo hệ sinh thái Biển Đông đang dần suy kiệt. Nguyên nhân là từ các hoạt động xây dựng đảo trên biển, chủ yếu do Trung Quốc gây ra.

Vấn đề này được nêu rõ trong một bài bình luận trên SCMP của ông James Borton, một nhà báo thường đưa tin về Biển Đông, và ông Jackson Ewing, nhà nghiên cứu tại Viện Giải pháp Chính sách Môi trường Nicholas thuộc Đại học Duke, Mỹ.

Hai tác giả cảnh báo, dưới tác động quá mức của con người, một vùng rạn san hô ở Biển Đông đang bị phá hủy nghiêm trọng. Nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục tiến hành bồi đắp hơn 1.300 hecta đất trên biển, chủ yếu là trên quần đảo Trường Sa, nhằm xây dựng các đảo nhân tạo. Không những vậy, Trung Quốc còn ra lệnh thi công trái phép các công trình tại đây.

Mối nguy hại về môi trường ngày càng gia tăng ở Biển Đông không thể tách khỏi vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hai nhà nghiên cứu cho biết, việc Trung Quốc thúc đẩy các yêu sách hàng hải đã khiến nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển, cùng các hệ sinh thái nước nông khác bị phá hủy và chôn vùi. Đồng thời, các dự án cải tạo đất cũng làm suy yếu sự liên kết sinh thái của quần đảo Trường Sa và Biển Đông. Điều này gây ra sự tắc nghẽn nguồn cung cấp dinh dưỡng mà hệ sinh thái này đang phụ thuộc.

Tin vào lời hứa của Trung Quốc sẽ là sai lầm nguy hiểm

Nhà hoạt động nhân quyền Dương Kiến Lợi (Jianli Yang) cho rằng lời hứa của Bắc Kinh về kế hoạch cải thiện môi trường là không đáng tin cậy.

Trong bài phân tích trên The Hill, ông Dương viết: “Việc duy trì ‘mô hình Trung Quốc’ đòi hỏi (chính quyền Trung Quốc) phải tiếp tục vi phạm nhân quyền và phá hoại môi trường, đó là lý do tại sao những lời hứa của ông Tập Cận Bình là thiếu tin cậy”.

Ông Dương nói thêm rằng nếu thế giới tin lời hứa của Trung Quốc thì đó sẽ là “một sai lầm nguy hiểm”.

Ông Dương từng là sinh viên tham gia cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh năm 1989. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội dùng súng ống và xe tăng thảm sát những người biểu tình. Số người bị giết hại lên tới hàng ngàn người, thậm chí ít nhất là 10.000 người, theo tiết lộ của một tài liệu ngoại giao của Anh Quốc.

Lời tuyên chiến chuẩn bị cho các động thái trừng phạt

Trong bản thông tin lên án Bắc Kinh phá hoại môi trường, chính quyền Trump bình luận: “Đáng buồn thay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp xã hội dân sự và báo chí tự do, trì hoãn những thay đổi có lợi cho công dân và người dân trên toàn thế giới”.

Bản thông tin cũng trích phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông nói: “Nền kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc phần lớn được xây dựng dựa trên việc cố ý coi thường chất lượng không khí, đất đai và nước. Người dân Trung Quốc và thế giới xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn”.

Giới quan sát nhận định bản thông tin từ Bộ Ngoại giao tựa như một “lời tuyên chiến”, mở ra cuộc đối đầu mới giữa Washington và Bắc Kinh trong vấn đề môi trường.

Các động thái phơi bày thông tin thường là bước đầu tiên trước khi Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với các hành vi vi phạm từ Trung Quốc. Hồi tháng 7, chính quyền Trump cũng lên án những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Sau đó, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những công ty tham gia xây dựng đảo phi pháp cho Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng Washington rất có thể còn đưa ra những động thái răn đe tiếp theo nhắm vào những vi phạm khác của Bắc Kinh, trong đó có vấn đề môi trường.