Theo SCMP, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Dinesh Gunawardena cho biết, hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm có thể được kéo dài lên 198 năm.
- Chỉ trích ‘kẻ săn mồi’, Mỹ chống Trung Quốc ở Sri Lanka và Maldives
- Âm mưu chia để trị: Trung Quốc giăng bẫy nợ Việt Nam – Lào – Campuchia
- Những quốc gia châu Á sập bẫy nợ của Trung Quốc và một số nạn nhân tiếp theo?
Ông Gunawardena gọi đó “sai lầm của chính phủ tiền nhiệm”. Ông đưa ra bình luận này sau khi có các bài báo đưa tin về việc Sri Lanka đang xem xét lại thỏa thuận.
Trung Quốc áp dụng ngoại giao “bẫy nợ”
Năm 2017, chính phủ Sri Lanka đã ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota; nhằm trang trải các khoản nợ của họ đối với Bắc Kinh. Điều này đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý sát sao của cộng đồng quốc tế. Họ cáo buộc Bắc Kinh đang sử dụng ngoại giao “bẫy nợ” để tạo ảnh hưởng địa chính trị.
Vị trí của Hambantota là ở cực nam của Sri Lanka, nhìn ra các tuyến đường biển quan trọng của Nam Á. Đây là trung tâm hàng hải quan trọng tiềm năng ở Ấn Độ Dương.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho biết, ông muốn đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc ngay sau khi ông nhậm chức vào cuối năm 2019. Sau đó ông bác bỏ kế hoạch này.
Tuy nhiên, ngày 6/2, chủ tịch Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka nói với Ceylon Today rằng, Tổng thống đang xem xét lại thỏa thuận về cảng biển. Tướng Daya Ratnayake cũng cho biết, Sri Lanka không thu được nhiều lợi ích từ thỏa thuận. Họ đã di dời căn cứ hải quân của mình khỏi khu vực do Trung Quốc kiểm soát “sau nhiều cuộc thảo luận với các quan chức Trung Quốc”.
Ông Ratnayake cho biết: “Chúng tôi đang xem xét lại đề xuất này ngay cả bây giờ. Thật không may, một thương vụ như vậy về cảng Hambantota lẽ ra không nên được thực hiện. Nhưng quá trình xem xét đang diễn ra”.
Hợp đồng cho thuê cảng Hambantota lên tới 198 năm
Ngày 20/2, Bộ trưởng Ngoại giao Dinesh Gunawardena cho biết về tình trạng không chắc chắn của thỏa thuận này. Ông nói với một tờ báo rằng: “Chính phủ tiền nhiệm đã mắc sai lầm trong thỏa thuận cảng Hambantota. Họ đã huỷ việc cho thuê ban đầu, thay vào đó là cho thuê 99 năm, cộng với 99 năm thuê thêm sau khi giai đoạn 1 kết thúc”. Nhưng ông không cho biết liệu chính phủ có ý định thay đổi thỏa thuận hay không.
Ngày 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân phủ nhận thỏa thuận đang được đàm phán lại; thay vào đó nói rằng hoạt động của cảng đang được mở rộng. “Các báo cáo liên quan không phù hợp với sự thật”, ông Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Ông Uông cho biết thỏa thuận đã được thương lượng trên cơ sở “bình đẳng và tự nguyện” giữa hai nước. Người phát ngôn nói rằng Bắc Kinh dự định biến cảng này thành một trung tâm hậu cần, vận tải và công nghiệp ở Ấn Độ Dương.
Thương vụ cho Trung Quốc thuê cảng tăng thêm gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka
Thương vụ cảng là một dự án trọng điểm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi của Trung Quốc. Các nhà phê bình nói rằng nó có thể làm tăng thêm gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka. Điều này có thể thúc đẩy Colombo chấp nhận các yêu cầu địa chính trị của Bắc Kinh.
Một học giả về quan hệ quốc tế của Đại học Hải dương Trung Quốc, Pang Zhongying cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn đối với các hoạt động của họ ở Sri Lanka; do sự cạnh tranh ngày càng tăng với Hoa Kỳ và cả Ấn Độ trong khu vực.
“Sri Lanka từ lâu đã là sân sau của Ấn Độ và nước này có mối quan hệ phức tạp với Ấn Độ. Và khi chính quyền Joe Biden thúc đẩy tăng cường chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương . Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong khu vực”, ông Zhongying nói.