Đối thủ chính của Trung Quốc ở Nam Á là Ấn Độ; Bắc Kinh đang cố gắng làm suy giảm ảnh hưởng của New Delhi trong khu vực, theo nhận định của ông Stu Cvrk, một thuyền trưởng từng có 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ.

Trung Quốc bao vây Ấn Độ, tìm cách thống trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trong bài bình luận trên EpochTimes ngày 14/12, ông Stu đề cập đến việc Ấn Độ và Trung Quốc “đã xảy ra một số cuộc giao tranh quân sự gần đây và cả một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 trên lãnh thổ tranh chấp ở Dãy núi Himalaya và 7 bang ở đông bắc Ấn Độ (Arunachal Pradesh, Assam, Meghalaya, Manipur, Mizoram, Nagaland, and Tripura)”.

Ở phía biên giới của Trung Quốc, Thung lũng Chumbi ở Tây Tạng là “lợi thế hàng đầu” trong cuộc đối đầu của Trung Quốc chống lại quân đội Ấn Độ, theo ông Stu.

“Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có mong muốn thu nạp 7 bang vào Trung Quốc để cuối cùng giành được thêm một con đường thương mại lớn khác đến Ấn Độ Dương từ Vịnh Bengal. Do đó, đây là nguồn gốc chính của tranh chấp biên giới Trung Quốc-Ấn Độ”.

Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả về kinh tế và địa chính trị. Chiến lược này đi kèm với việc bao vây và cô lập Ấn Độ.

Trung Quốc đang tìm cách phát triển một thị trường kinh tế tích hợp bao gồm “tất cả các quốc gia Á-Âu”, với trọng tâm là Nam và Trung Á.

Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ lâu dài với Pakistan. Bắc Kinh đang đầu tư hàng tỷ USD theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) để phát triển Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan — bao gồm các đường cao tốc, đường sắt và đường ống — từ Cảng Gwadar trên Ấn Độ Dương đến Tân Cương (Trung Quốc). Hành lang này sẽ là vành đai tiếp cận đến dầu mỏ ở Trung Đông, bao gồm cả dầu từ Iran.

Mục tiêu địa chính trị – quân sự của Trung Quốc

Ông Stu cho biết: “Một mục tiêu địa chính trị-quân sự quan trọng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là mở rộng các căn cứ Hải quân Trung Quốc trên khắp khu vực nhằm chống lại sự thống lĩnh địa chính trị lâu năm của Hoa Kỳ ở đó.”

“Việc thiết lập các căn cứ của quân đội Trung Quốc được sử dụng để đe dọa các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phải có các quan điểm trung tính hơn (nếu không phải là hoàn toàn thân Trung Quốc) trong các vấn đề địa chính trị”.

Ông Stu cho biết: “Chiến lược này đã hoạt động hiệu quả với đồng minh chủ chốt là Pakistan tại Cảng Gwadar.

Chiến lược này cũng đang được sử dụng ở những nơi khác trong khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ: “Quân đội Giải phóng Nhân dân (Trung Quốc) đang thực hiện những bước tiến nghiêm túc trong việc đảm bảo các căn cứ mới ở Campuchia, Tanzania và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và các khu vực khác.”

Kết luận

Trong phần kết luận của bài bình luận, ông Stu cho rằng các động thái địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc ở Nam Á là để là suy giảm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực; một phần khác là nhằm đạt được các mục tiêu bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc dọc theo biên giới Trung – Ấn.

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Đông. Vì những điều này, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã trở thành “đồng minh tự nhiên” trong việc chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc, theo cựu quan chức hải quân Mỹ Stu Cvrk.