Trung Quốc đang thử nghiệm tên lửa siêu thanh và xây dựng hầm chứa tên lửa hạt nhân mới. Mục tiêu của Trung Quốc là gì? Tạp chí The Week mới đây đã phân tích về vấn đề này.
Mục tiêu của Trung Quốc
Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 triệu quân. Hơn nữa, nước này đang đổ tiền vào xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình. Từ lâu đã có thông tin cho biết Trung Quốc có khoảng 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Nhưng các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng thêm hàng trăm hầm chứa có khả năng chứa đầy tên lửa hạt nhân.
Lầu Năm Góc tin rằng số đầu đạn của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lên 400 trong thập niên tới.
“Rõ ràng họ đang thách thức chúng tôi trong khu vực”, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ cho biết. “Và nguyện vọng của họ là thách thức Hoa Kỳ trên toàn cầu.”
Điểm yếu của quân đội Trung Quốc là gì?
Mặc dù Trung Quốc đầu tư vào trang bị hào nhoáng nhưng công tác huấn luyện quân đội lại yếu kém và các binh sĩ vận hành vũ khí còn thiếu kinh nghiệm theo The Week.
Shi Yang, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết: “Tham nhũng và cơ cấu chỉ huy lỗi thời đã để lại tác động tiêu cực đến quân đội”.
Một số nhà phân tích tin rằng chính sách một con của Trung Quốc kéo dài suốt hàng chục năm đã dẫn đến lượng lớn thanh niên là “con một” trong gia đình. Thanh niên Trung Quốc ngày nay có xu hướng không muốn nhập ngũ. Họ cũng không có tinh thần chiến đấu hi sinh, vì không muốn rời bỏ cha mẹ mà không có con cháu.
Hơn nữa, quân đội Trung Quốc hầu như không tham chiến kể từ năm 1979 – năm xảy ra chiến tranh biên giới với Việt Nam. Theo The Week, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc có rất ít kinh nghiệm làm việc cùng nhau. Đó có thể là lý do khiến Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm quan hệ đối tác.
Vậy Trung Quốc có thể làm đối tác với những nước nào?
“Đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc là Triều Tiên, quốc gia có vũ khí hạt nhân nhưng lại rất nghèo”, The Week cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác với Nga. Hai nước đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên vào năm 2003. Quân đội hai nước đã hợp tác ngày càng nhiều hơn. Và trong vài tháng qua, “mối quan hệ đối tác đó đã có một bước nhảy vọt”, theo The Week.
Bài báo cho biết: “Mặc dù Matxcơva và Bắc Kinh không có hiệp ước phòng thủ chung, nhưng họ có mục đích chung là kiềm chế Mỹ; và một cuộc chiến chống lại cả hai cùng một lúc sẽ là một cơn ác mộng.”
Trung Quốc đặt hi vọng vào vũ khí siêu thanh
Các phương tiện bay siêu thanh, được phóng từ tên lửa trên quỹ đạo. Nó có thể di chuyển hơn 3.800 dặm / giờ ở quỹ đạo thấp và có khả năng cơ động. Vì vậy chúng có khả năng né tránh sự phát hiện và phòng thủ của tên lửa truyền thống.
Vào tháng 8, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa có khả năng hạt nhân như vậy. Nó quay quanh một phần Trái đất, sau đó hạ cánh xuống mục tiêu cách đó khoảng 24 dặm.
Một số chuyên gia vũ khí độc lập nói rằng vũ khí siêu thanh không phải là vật thay đổi cuộc chơi, bởi vì trong điều kiện thực tế, chúng có thể được phát hiện nhanh chóng như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Mỹ hiện vẫn mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều
Theo The Week: “Hiện tại, quân đội Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều, nhưng Trung Quốc đang cố gắng đi đầu trong các công nghệ mới, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh.
Cho đến nay, Mỹ vẫn có quân đội lớn nhất và giàu kinh nghiệm nhất thế giới, cũng như kho vũ khí hạt nhân tiên tiến và mạnh nhất.
Lực lượng quân đội 1,4 triệu binh sĩ của Mỹ đã chiến đấu gần như liên tục trong 20 năm qua, và các lực lượng có nhiều kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với nhau.
Với ngân sách quốc phòng hàng năm là 733 tỷ USD, Mỹ chi gấp 3 lần mức chi của Trung Quốc và gấp 12 lần so với Nga.
Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm và 3 nhóm tác chiến tàu sân bay của họ đã có hàng chục năm kinh nghiệm chinh chiến, trong khi Trung Quốc không có.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Mỹ cần tái bố trí lực lượng từ châu Âu sang châu Á, nơi Trung Quốc có lợi thế sân nhà ở Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố gắng xua đuổi Washington tránh xa khu vực Biển Đông. Sau vụ việc tàu ngầm Mỹ va phải vật thể dưới đáy Biển Đông, Bắc Kinh tuyên truyền Mỹ đang gây rủi ro cho hòa bình Biển Đông và yêu cầu Washington chấm dứt hoạt động ở Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Mỹ cùng các đồng minh đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Chỉ mới hôm 16/11, Mỹ và đồng minh Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông.
Sức mạnh quân sự của Mỹ cùng sự phối hợp của các đồng minh hiện đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe và ngăn chặn mục tiêu bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương.