Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc khiến các tập đoàn và chính phủ nước ngoài buộc phải “cúi đầu”, từ đó trợ giúp cho kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đạt được quyền bá chủ toàn cầu, theo nhà phân tích Anders Corr.
Ông Corr, người đứng đầu công ty cố vấn Corr Analytics và là tác giả của cuốn sách “Tập trung quyền lực”, đưa ra nhận định này trong chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ” của EpochTV.
Ông Corr nói: “Các tập đoàn [và]… các chính phủ đang bắt đầu đi theo những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn họ làm… theo hướng mà chúng ta thực sự đáng quan ngại”.
Ông Corr cho biết ĐCSTQ buộc các tập đoàn thực hiện đấu thầu để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, một thị trường chiếm 20% nền kinh tế thế giới. Các công ty có xu hướng tuân thủ ĐCSTQ vì họ muốn bán sản phẩm của mình cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc và tiếp cận lao động giá rẻ từ Trung Quốc.
Ông nêu ví dụ là trường hợp của Apple. Công ty này được cho là đã thực hiện một thỏa thuận bí mật với ĐCSTQ vào năm 2016 để chi 275 tỷ đô la vào Trung Quốc trong 5 năm. Thỏa thuận còn bao gồm một điều khoản buộc Apple phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
Ông lập luận rằng những sự việc như vậy có thể xảy ra là do tình trạng tập trung quyền lực của ĐCSTQ. Nó cho phép ĐCSTQ “đóng vai trò như một người gác cổng” đối với thị trường Trung Quốc. Thậm chí Tổng thống Hoa Kỳ còn không có được quyền lực này, vì ở Mỹ chú trọng tự do kinh tế.
Theo ông Corr, nhiều công ty vì lòng tham mà sẵn sàng phớt lờ những vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc.
Ông Corr đề cập đến một số doanh nhân, chẳng hạn như tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Ray Dalio, biện minh cho các giao dịch của họ với ĐCSTQ bằng cách nói rằng họ không thể can dự vào các vấn đề về quản trị ở Trung Quốc, và rằng Hoa Kỳ cũng có những vấn đề riêng của mình. Nhưng ông Corr cho rằng đây là một tuyên bố không thể chấp nhận được.
“Bạn không thể so sánh ba cuộc diệt chủng ở Trung Quốc — đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và Pháp Luân Công — với những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ”, ông Corr nói.
Ông cho rằng việc so sánh hai quốc gia trong trường hợp này vô hình trung đã biện minh cho Trung Quốc và “vu khống Hoa Kỳ”.
Nhà phân tích cho biết ĐCSTQ có mục tiêu giành được “quyền bá chủ toàn cầu”, đây là sự thật được chấp nhận trong giới học thuật. Ông nói rằng ĐCSTQ sử dụng sức mạnh kinh tế này để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình tại Hoa Kỳ.
“Ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với chính trị Mỹ thông qua các tập đoàn của chúng tôi thực sự khá giống với ảnh hưởng mà Bắc Kinh đang có ở các nước khác”, ông Corr nói. “Cho dù đó là Uganda hay Philippines, họ nắm giữ khá nhiều quyền lực thông qua việc có thể bật và tắt xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác trên thế giới.”
Các nền dân chủ phương Tây không đủ sức chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ và nên phối hợp một cách chiến lược để chống lại Trung Quốc, theo ông Corr.
Nhà phân tích Anders Corr nhấn mạnh các nước phương Tây cần “đảm bảo rằng các tập đoàn của chúng ta không bán rẻ nền dân chủ khi họ kinh doanh ở Trung Quốc”.