Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Việt Nam không cho phép thế lực bên ngoài can thiệp vào “nền hòa bình” ở Biển Đông.

Nghe audio bài: “Trung Quốc kêu gọi Việt Nam không cho ‘bên ngoài’ can thiệp Biển Đông”

Theo SCMP hôm 11/9, chính quyền Trung Quốc vừa công bố phát ngôn của ông Vương Nghị tại Hà Nội.

Trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào thứ Sáu (ngày 10/9), ông Vương Nghị nói: “Chúng ta nên trân trọng nền hòa bình và ổn định mà khó khăn lắm (chúng ta) mới đạt được ở Biển Đông; và sắp đặt các vấn đề có liên quan đến hàng hải ở một vị trí thích hợp”.

Ông này cũng nói: “(Chúng ta) không nên làm phức tạp hóa tình hình, [hoặc] làm phóng đại những xung đột thông qua các động thái đơn phương; và cả hai nên cảnh giác trong việc chống lại sự can thiệp và kích động từ bên ngoài khu vực”.

Giới quan sát cho rằng thế lực “bên ngoài khu vực” mà ông Vương Nghị đề cập là một lời ám chỉ nhắm vào Mỹ và các nước đồng minh phương Tây. Hai tuần trước đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới thăm Hà Nội, đồng thời kêu gọi Việt Nam cùng Hoa Kỳ thách thức “hành vi bắt nạt” của Trung Quốc.

Ông Vương Nghị nói: “[Chúng ta nên] gửi một thông điệp tích cực đến cộng đồng quốc tế rằng nhân dân Trung Quốc và Việt Nam có đủ trí tuệ để quản lý xung đột và mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác”.

Theo bản thông cáo do Hà Nội công bố, cả hai bên đã đồng ý “kiểm soát hiệu quả” cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Hai bên cũng thảo luận về vấn đề mất cân bằng thương mại và bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong việc thông quan ở biên giới giữa hai nước.

Cũng trong cuộc họp ở Hà Nội, ông Vương Nghị thông báo Trung Quốc sẽ tặng thêm cho Việt Nam 3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 vào cuối năm nay; nâng tổng số liều vắc xin mà Bắc Kinh hứa tặng cho Việt Nam đã lên tới 5,7 triệu liều.

Nhận định của giới quan sát: Chính sách đối ngoại của Việt Nam đang hoạt động rất tốt

Giới quan sát cho rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị là một cuộc “ngoại giao vắc xin” với Việt Nam. Hoạt động này diễn ra khi Washington đang cố gắng tăng cường quan hệ của Mỹ với các nước khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo SCMP, ông Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho rằng thời điểm ông Vương Nghị đến Việt Nam có liên quan đến chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ vào tuần tới để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Chuyến đi Mỹ của ông Phúc cũng đồng thời là chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington.

Ông Phạm Quang Minh cho biết: “Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị muốn gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng Trung Quốc là đối tác rất thân thiết của Việt Nam; rằng Việt Nam không nên nghiêng về Mỹ; và không nên nâng cấp mối quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ; Chỉ có Trung Quốc là đối tác thực sự của Việt Nam”.

Ông Minh cũng coi việc Bắc Kinh tặng vắc xin cho Việt Nam là mang “mục đích chính trị”; vì Trung Quốc biết rằng Việt Nam đang “rất cần vắc xin”.

Tuy nhiên, ông Minh cho biết: “Việt Nam vẫn giữ thái độ tỉnh táo và thực tế trong quan hệ với Trung Quốc.”

“Một mặt, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ và Trung Quốc, nhưng mặt khác, Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy hợp tác với các đối tác và ASEAN để duy trì chủ quyền của mình”.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc) cho rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Hà Nội là rất quan trọng vì “trong hai năm qua, ông ta đã không chọn Việt Nam trong các chuyến công du Đông Nam Á”.

Ông Thayer cho rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam đang hoạt động rất tốt theo phương châm là “đối tác đáng tin cậy” đối với tất cả các bên.

Ông Thayer nói: “Chắc chắn Vương Nghị sẽ nhận được thông điệp tương tự mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chuyển tới Phó Tổng thống Harris. Đó là Việt Nam sẽ tuân theo chính sách đối ngoại ‘độc lập, tự cường, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ ’”.