Business Insider cho biết nguồn tin từ quân đội Mỹ tiết lộ: Các máy bay ném bom Trung Quốc gần đây đã mô phỏng một cuộc tấn công nhắm vào nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đông vào thứ Bảy tuần trước (23/1).

Cùng ngày, một lượng lớn máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, đã bay qua Đài Loan và tiến vào Biển Đông. Cụ thể, Quân đội Trung Quốc đã triển khai 8 máy bay ném bom H-6K, 4 máy bay chiến đấu J-16; và một máy bay tác chiến chống tàu ngầm Y-8. Các máy bay này đã bay qua Đài Loan và tiến vào Biển Đông.

Quân đội Mỹ hôm 29/1 nói với Insider rằng các máy bay Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tấn công mô phỏng nhắm vào tàu sân bay Mỹ. Thông tin này đã xác nhận báo cáo trước đó từ The Financial Times.

Dữ liệu theo dõi cho thấy nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến vào Biển Đông qua kênh Bashi. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay qua vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan; sau đó bay vào Biển Đông.

Diễn tập chống tàu sân bay Mỹ

Ngày hôm sau, một nhà phân tích quân sự đại lục giấu tên nói với Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng: Động thái này của Trung Quốc có thể là một cuộc tập trận nhằm “tăng cường khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc chống lại tàu sân bay Mỹ”.

Một nhà phân tích khác nói với tờ Hoàn Cầu rằng các chuyến bay “có thể là hoạt động thường lệ” và không liên quan gì đến các tàu Mỹ ở gần đó.

Tàu sân bay Mỹ không gặp nguy hiểm

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đại úy Mike Kafka nói với Insider trong một tuyên bố qua email rằng: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đã giám sát chặt chẽ tất cả hoạt động của Hải quân và Không quân Trung Quốc; và không lúc nào họ đặt ra mối đe dọa đối với tàu, máy bay hay thủy thủ của Hải quân Hoa Kỳ.”

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các máy bay Trung Quốc đã không tiến vào trong phạm vi 250 dặm so với tàu Hải quân Mỹ; vì vậy tàu Mỹ nằm bên ngoài phạm vi của tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 trên máy bay Trung Quốc H-6K.

Các hành vi hung hăng liên tiếp của Trung Quốc

Đại úy Kafka nói thêm: “Tuy nhiên, các hoạt động của quân đội Trung Quốc được nêu rõ ở đây, là động thái mới nhất trong một chuỗi các hành động hung hăng và gây bất ổn” của Trung Quốc.

Người phát ngôn Kafka bình luận: “Những hành động này phản ánh một ý đồ liên tục của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc; đó là sử dụng quân đội làm công cụ để đe dọa hoặc ép buộc những bên hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế; bao gồm cả các nước láng giềng của họ và những nước có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh (với họ)”.

Trong tuyên bố với Insider, phát ngôn viên Kafka cho biết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, thể hiện quyết tâm thông qua sự hiện diện hoạt động của chúng tôi trong toàn khu vực”.

Thách thức của chính quyền Biden

Theo Business Insider, “những diễn biến mới nhất này ở Biển Đông đã nêu bật những thách thức mà chính quyền mới của ông Biden sẽ phải đối mặt khi đối phó với Bắc Kinh và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc”.

Các nhà quan sát cho rằng khả năng chính quyền Biden có xu hướng mềm yếu với Trung Quốc; như ông Biden đã từng làm trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden dùng bữa với ông Tập Cận Bình khi ông Tập thăm Mỹ trên cương vị Phó Chủ tịch nước Trung Quốc vào tháng 2/2012 (ảnh: Nhà Trắng).
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden dùng bữa với ông Tập Cận Bình khi ông Tập thăm Mỹ trên cương vị Phó Chủ tịch nước Trung Quốc vào tháng 2/2012 (ảnh: Nhà Trắng).

Ông Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc nói với Breitbart rằng Phó Tổng thống Biden của chính quyền Obama là người đã ngăn cản Hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông từ năm 2012-2015. Quyết định này là nhằm né tránh căng thẳng Bắc Kinh. Trong thời gian đó, Trung Quốc gia tăng xây dựng đảo nhân tạo và thiết lập các tiền đồn phi pháp ở Biển Đông.